Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Thêm cơ hội cứu sống người bệnh nặng

Khoảng chín nghìn người bệnh đã được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại trong điều trị những căn bệnh nặng như: Suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp… Đây là thành quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu người bệnh nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” của GS, TS, bác sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai và các cộng sự. Đề tài được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2016.

b8c96d8fafe5299c068e863674ee5a96.jpg

Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị cho người bệnh bằng phương pháp lọc máu hiện đại 

Bác sĩ Nguyễn Gia Bình cho biết, năm 2004, ông chứng kiến một người bệnh mới 17 tuổi chỉ sau vài ngày sốt nhập viện, phổi bị phá hủy nhanh, dù đã dùng thuốc rất mạnh và hỗ trợ thở máy vẫn không thể cứu được. Cuối năm đó, một thầy giáo người Thái Bình tiếp xúc với gà nhiễm bệnh, chỉ sau ít ngày đã chết. Trong vòng một tuần, hai người em gái của thầy giáo này cũng lần lượt có triệu chứng sốt và qua đời. Sau khi các chuyên gia Hồng Công (Trung Quốc) mang máy sang xét nghiệm mới biết những ca bệnh nêu trên bị nhiễm vi-rút H5N1.

Thời điểm đó, vi-rút H5N1 còn mới mẻ ở Việt Nam, thế giới cũng đang loay hoay mà chưa tìm ra cách điều trị. Chứng kiến những cái chết thương tâm, bác sĩ Nguyễn Gia Bình luôn trăn trở làm sao để có thể cứu được người bệnh. Ông và các cộng sự đã thử nghiệm lọc máu sớm, kết hợp thở máy cùng các biện pháp hồi sức khác cho một trường hợp bị nhiễm H5N1 ở tỉnh Vĩnh Phúc và bước đầu đã thành công. “Cứu được một người không nhiều nhưng có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi. Đó là mở ra hướng mới cho việc điều trị các vi-rút nặng và các bệnh nhiễm khuẩn”, bác sĩ Nguyễn Gia Bình chia sẻ.

Tại các nước phát triển, kỹ thuật lọc máu hiện đại đã có những tiến bộ vượt bậc, có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan, thận và cơ thể khó có thể thải trừ, mang lại cơ hội sống từ 20% đến 50% cho người bệnh nặng hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ kỹ thuật lọc máu hiện đại tốn kém, ngân sách lại eo hẹp, cộng với việc các bác sĩ Việt Nam chưa tiếp cận được với kỹ thuật mới. Vì vậy, từ năm 2002, với mong muốn ứng dụng kỹ thuật mới để cứu sống người bệnh mà chi phí thấp, bác sĩ Nguyễn Gia Bình cùng các cộng sự đã sang các nước, như: Nhật Bản, Pháp, Xin-ga-po, tận dụng mọi cơ hội để học tập kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp nước ngoài.

Từ chỗ chỉ “học lỏm” bằng cách đứng ngoài xem họ thực hiện, rồi xin đi theo “học mót”, phụ giúp… cho đến khi dần dần nắm được kỹ thuật và thực hành được. Sau đó, bác sĩ Bình đã mượn máy móc ở nước ngoài, đồng thời tìm các nguồn tài trợ để có máy móc thực hiện kỹ thuật hiện đại nêu trên. Từ năm 2005 đến 2008, ông và cộng sự điều trị thành công hàng chục người bệnh nặng bị sốc nhiễm khuẩn, viêm đa tụy. Con số tuy ít nhưng chính là nền tảng để xây dựng quy trình kỹ thuật dựa trên những sáng tạo và ứng dụng trong điều kiện của Việt Nam với chi phí bằng một phần năm so các nước phát triển.

Với các bệnh lý nặng, như: Suy gan cấp, viêm tụy cấp, biến chứng suy đa tạng ở bệnh nhân nặng… các phương pháp lọc máu thật sự mang lại hy vọng sống cho người bệnh. Kỹ thuật lọc máu hiện đại ứng dụng được trong nhiều loại bệnh, góp phần giải quyết các tình trạng nặng như sốc, bỏng nặng, suy đa tạng… sau các tai nạn hàng loạt. Thí dụ, lọc máu hiện đại kéo dài nhiều tháng, đóng vai trò quan trọng, cứu sống một chiến sĩ trong tai nạn máy bay MI-17 tại Hòa Lạc năm 2014 được điều trị ở Viện Bỏng Quốc gia.

Nếu người bệnh nặng trước đây có nguy cơ qua đời cao trong thời gian ngắn, nay cơ hội cứu sống tăng thêm 20% đến 50% so khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại. Thí dụ như nhiễm khuẩn, bệnh nặng trước đây tỷ lệ tử vong 95%, thì nay con số này giảm một phần ba; tỷ lệ người bệnh chết do bệnh đa phủ tạng, từ khi có lọc máu hiện đại, giảm từ 70% đến 90% xuống còn 20%. Ngoài ra, thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn một phần tư đến một phần hai và thời gian nằm viện rút ngắn còn một nửa so khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại…

Theo bác sĩ Nguyễn Gia Bình, cụm công trình về lọc máu hiện đại đã có những cải tiến kỹ thuật, công nghệ quan trọng mang lại hiệu quả cao. Ông và các cộng sự đã cải tiến, áp dụng đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều kỹ thuật lọc máu trên cơ sở khoa học cho từng loại bệnh hồi sức như: lọc máu liên tục, lọc phân tử tái tuần hoàn, lọc và thẩm tách máu… Hơn nữa, các kỹ thuật lọc máu cũng đã được chuyển giao cho các bệnh viện, có thể áp dụng ngay tại địa phương giúp cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo, giảm biến chứng tàn phế, giảm ngày điều trị. Đến nay, các kỹ thuật lọc máu hiện đại thông qua Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh… đã được triển khai tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Kết quả nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại đã giúp hỗ trợ hồi sức tốt cho phát triển các kỹ thuật phẫu thuật lớn thành công như phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật gan mật… Tuy nhiên hiện nay, Bảo hiểm y tế chi trả chưa nhiều cho các kỹ thuật lọc máu. Thí dụ với phương pháp lọc máu liên tục, người bệnh vẫn phải chi trả khoảng 20 triệu đồng/ngày khi đã được bảo hiểm chi trả một phần. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Gia Bình hy vọng Quỹ Bảo hiểm y tế ngày càng chi trả tốt hơn cho những kỹ thuật cao, bởi chi phí lớn nhưng mang lại cơ hội sống cho người bệnh, tiết kiệm được những chi phí gián tiếp do rút ngắn thời gian điều trị.

Nguồn Nhandan.com.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image