Bệnh viện E vừa mổ cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân nữ 38 tuổi, ở Hà Nội bị thủng ruột non do xương cá kìm sắc nhọn và mảnh.
Theo người nhà bệnh nhân, cách đây 2 tuần, bệnh nhân có ăn cá kìm và không biết mình nuốt phải xương cá. Cách nhập viện 4 ngày, bệnh nhân mới có biểu hiện đau âm ỉ vùng bụng dưới. Bệnh nhân có đi khám ở một cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội và được chẩn đoán có dị vật trong ống tiêu hóa.
Nghĩ là xương cá có thể tự tiêu nên bệnh nhân không mổ, xin điều trị ngoại trú. Đến khi xuất hiện cơn đau bụng tăng lên, đau liên tục vùng bụng dưới, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thủng bít ruột non do dị vật sắc nhọn và mảnh đâm thủng. Bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi ổ bụng cấp cứu.
Khi nội soi vào ổ bụng, các bác sĩ phát hiện một xương cá dài gần 4cm đâm xuyên thủng hồi tràng (đoạn cuối ruột non). Lỗ thủng được mạc nối lớn (tổ chức mỡ trong bụng) bọc lại. Lỗ thủng ruột non kích thước 5mm, bờ viêm dày. Bác sĩ đã tiến hành lấy xương cá, làm sạch, khâu lỗ thủng ruột non qua nội soi ổ bụng hoàn toàn.
Theo các bác sĩ, mức độ nguy hiểm khi nuốt phải xương cá là dị vật có thể mắc ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa (từ thực quản đến hậu môn) và gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Nếu xương mắc ở vùng họng - thanh quản sẽ được các bác sĩ tiến hành nội soi gắp ra. Trường hợp khi xương qua được vị trí này có thể đi xuống những phần dưới của ống tiêu hóa như: thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già.
Thậm chí, dị vật có thể thoát ra ngoài ổ bụng gây tổn thương các tạng khác. Đây là những biến chứng nặng và thường phải phẫu thuật sớm, nếu không được chẩn đoán, xử trí cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh những biến chứng đáng tiếc trên, các bác sĩ khuyến cáo: khi ăn uống, đặc biệt là những thực phẩm có xương như cá, gà… nên người dân nhai kỹ, lựa xương cẩn thận. Nếu không may nuốt phải xương thì đừng cố nuốt hoặc không tự ý móc bỏ xương mà cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và xử trí sớm. Qua đó, tránh trường hợp dị vật đi sâu xuống hệ tiêu hóa, gây đâm thủng thành ống tiêu hóa.
Dị vật trong ống tiêu hóa chưa gây thủng, ở vị trí thuận lợi như hầu họng, thực quản, dạ dày thì có thể xử trí bằng phương pháp nội soi qua đường miệng gắp dị vật. Trong trường hợp dị vật gây thủng hoặc ở vị trí khó lấy như ruột non thì cần chẩn đoán và mổ sớm để gắp dị vật và xử trí tổn thương.
Nguồn: https://vtv.vn