Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai: Nắng nóng cao điểm, số bệnh nhân chỉ tăng nhẹ

Trong đợt nắng nóng cao điểm vừa qua (từ ngày 12-19/5/2019), Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục ca bệnh lý liên quan trực tiếp đến nắng nóng với biểu hiện chính: đau đầu, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn điện giải máu,... Một số ca bệnh nặng đã được chuyển đến Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai) để tiếp tục theo dõi thêm. Số còn lại đã ổn định và được xuất viện.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai: Đây là đợt nắng nóng cao điểm lần thứ 2 tại miền Bắc trong năm nay, số lượng bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu A9 chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, đáng chú ý là những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính, suy thận…Với những bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền như vậy, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi gia tăng tình trạng đột quỵ, nhồi máu não…. nếu bệnh nhân không có kiến thức để tự chăm sóc và kiểm soát tốt các bệnh lý sẵn có này.

don tiep cc

Đón tiếp bệnh nhân tại khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Trước đó, vào đợt nắng nóng đầu tiên của miền Bắc, ngày 23/4/2019 bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức họp báo cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản cho người dân để chăm sóc sức khỏe trong điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường trên các kênh thông tin đại chúng. Tại đó, PGS. TS Nguyễn Văn Chi – Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý người dân trong điều kiện nắng nóng bất thường cần chú ý đến điều kiện làm việc và tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất - thường là từ 12 giờ đến 16 giờ hàng ngày. Mọi người nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ sẽ dịu hơn. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, ra mồ hôi nhiều, rối loạn nước và điện giải do bù nước không đúng sẽ có nguy cơ gây đột quỵ hoặc sốc nhiệt.

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường, mỗi người phải có ý thức và các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn hiệu quả. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước, uống ít một, uống liên tục - tốt nhất là uống oresol pha sẵn để phòng mất nước và điện giải. Nếu có các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, chuột rút, thân nhiệt tăng cao bất thường cần được đưa vào nơi râm mát nghỉ ngơi và nên đến kiểm tra tại cơ sở y tế gần nhất.

M.T

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image