Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc.
Chủ đề ngày thế giới không thuốc lá năm 2018 của WHO
Nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch thậm chí nhồi máu cơ tim cấp tăng ngay cả khi chỉ hút với số lượng rất ít dưới 5 điếu thuốc mỗi ngày. Dù chỉ hút 1 điếu thuốc mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên 50% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 25% so với những người không hút thuốc.
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng cao gấp 6 lần ở nữ giới và gấp 3 lần ở nam giới hút từ 20 điếu thuốc mỗi ngày so với những người không hút thuốc. Những bệnh nhân đã có bệnh mạch vành, nếu tiếp tục hút thuốc sẽ tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tái phát và tăng nguy cơ tử vong bao gồm nguy cơ đột tử vì bệnh tim mạch. Những bệnh nhân đã cai thuốc sau khi bị nhồi máu cơ tim, nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát sẽ giảm đi theo thời gian. Những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã can thiệp mạch vành, nếu tiếp tục hút thuốc sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với những người đã cai thuốc.
Ảnh hưởng trực tiếp của hút thuốc lên sự phát triển các mảng xơ vữa động mạch đã được nhiều nghiên cứu báo cáo. Nguy cơ xơ vữa động mạch ở người hút thuốc tăng cao hơn 50% so với những người không hút thuốc, đối với những người hút thuốc thụ động nguy cơ bị xơ vữa động mạch tăng hơn 20% so với những người không hút thuốc thụ động.
Việc cai thuốc càng sớm sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh lý tim mạch. Đồng thời ở những bệnh nhân đã mắc bệnh động mạch vành việc cai thuốc sẽ giúp giảm nguy cơ biến cố mạch vành.
300 đại biểu tham dự Hội thảo Phòng chống tác hại của thuốc lá
Hưởng ứng ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội thảo Phòng chống tác hại Thuốc lá. Tham dự Hội thảo, về phía Tổ chức Y tế thế giới TS. Kidong Park, trưởng đại diện tại Việt Nam cùng các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới; Về phía Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) có GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Hô hấp; PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, PGS.TS. Phan Thị Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp; TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia và 300 đại biểu là các GS, Bác sỹ từ BVBM, các BV Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các học viên đại học, sau đại học.
GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Ngô Quý Châu, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết: Từ nhiều năm nay, BVBM nhận thấy rõ muốn giảm bớt gánh nặng bật tật cho người dân, thì song hành với việc phát triển chuyên môn kỹ thuật chẩn đoán điều trị bệnh nhân nội ngoại trú còn cần phải làm tốt công tác đào tạo, truyền thông giáo dục sức khoẻ cho nhân dân tránh các lối sống có hại mà yếu tố nguy cơ lớn hàng đâu là hút thuốc lá thuốc lào, giúp xây dựng lối sống lành mạnh cả thể chất lẫn tinh thần. Các đơn vị của BVBM đã chủ động tham gia tích cực vào công tác Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của Bộ Y tế, cùng đóng góp xây dựng triển khai các hoạt động như Seagame không khói thuốc, triển khai Công ước khung về Phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng góp ý Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được Quốc Hội nước CHXHCN Việt nam phê chuẩn năm 2012…
Từ tháng 4. 2015 với sự giúp đỡ chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Quỹ PCTHTL, Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ làm đầu mối triển khai dự án cai thuốc lá. Với sự hợp tác giúp đỡ của bộ ban ngành, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế, BVBM đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động từ đào tạo tập huấn TOT cho các đon vị của ngành y tế về cai nghiện thuốc lá, tập huấn, tuyên truyền cho các cán bộ chủ chốt của bộ nghành, các tỉnh thành phố về tác hại của hút thuốc. thiết lập đường dây hotline tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, tổ chức tư vấn trực tiếp cho các bệnh nhân nội ngoại trú, lồng ghép với chương trình mục tiêu PC COPD, hen phế quản… góp phần đẩy mạnh vào công tác PCTHTL của Bộ Y tế và các bệnh không lây nhiễm
TS. Kidong Park, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trình bày tham luận
Tham luận tại Hội thảo, TS. Kidong Park chia sẻ về Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá của WHO và bài học đối với các nước đang phát triển; GS.TS. Ngô Quý Châu báo cáo về: Gánh nặng bệnh tật của các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nhiều bài tham luận có giá trị thực tiễn cao. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học cùng trao đổi, chia và học hỏi kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, triển khai các hoạt động hướng tới Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Buổi hội thảo thu hút được sự quan tâm của đông đảo các GS, Bác sỹ từ BVBM, các BV Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các học viên đại học, sau đại học
Bên cạnh các bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm đối với sức khoẻ con người
Hút thuốc lá gây bệnh phổi
Chất độc của khói thuốc lá gây hại cơ thể từ thời điểm chúng xâm nhập qua miệng và mũi. Chúng phá hủy mô và tế bào ở tất cả các đường dẫn tới phổi. Khi khói thuốc được hít vào, chất độc của chúng được hấp thu tại phổi. Và như vậy, hậu quả là: gây các bệnh phổi, nguyên nhân chính dẫn tới hầu hết các ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; làm bệnh phổi mạn tính nặng hơn, và tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn hô hấp. Sau nhiều năm phơi nhiễm với khói thuốc lá, mô phổi trở nên cứng, giảm độ đàn hồi, và giảm hiệu quả trao đổi khí.
Thuốc lá và sự phát triển của phổi: Người hút thuốc từ khi còn nhỏ có lá phổi không bao giờ phát triển đầy đủ về kích thước và không bao giờ làm được hoạt động với mức gắng sức cao nhất. Điều này xảy ra bởi vì phổi ở người trẻ còn tiếp tục phát triển, nhưng những chất độc trong khói thuốc làm chậm sự phát triển này. Sự phá hủy này là lâu dài, tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau này.
Thuốc lá và COPD: Tổn thương phổi do thuốc lá dẫn tới COPD, nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 trên thế giới. Người bệnh COPD tổn thương đường thở, tử vong từ từ do thiếu oxy. 80% bệnh nhân COPD tử vong gây ra bởi thuốc lá. Số lượng người bệnh COPD ngày càng tăng và bệnh này không thể chữa khỏi. Phụ nữ hút thuốc lá tăng 38 lần nguy cơ mắc bệnh COPD so với người không hút, và bệnh ở mức độ nặng ở tuổi trẻ hơn. Tại Anh, hằng năm có 30,000 người chết vì COPD, gấp đôi so với mức trung bình ở châu Âu.
Thuốc là và hen phế quản: Hen phế quản là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ cũng như người lớn. Ở Mỹ, cứ 10 học sinh trung học thì có hơn 1 bị hen, và nhiều nghiên cứu gợi ý rằng hút thuốc lá khi tuổi nhỏ có thể tăng nguy cơ mắc hen. Hút thuốc lá trong nhà có thể tăng nguy cơ mắc hen ở trẻ em lên tới 50%. Hút thuốc lá thụ động có thể khởi phát cơn hen ở cả trẻ em và người lớn. Cơn hẹn nặng có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Thuốc lá và Ung thư phổi: Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. Thuốc lá gây phần lớn các ca ung thư phổi ở nam giới. Nguy cơ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nam giới hút thuốc, và tăng nhanh đột ngột ở phụ nữ hút thuốc. Người hút thuốc lá 20 điếu/ngà có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút thuốc. Người hút 3 điếu xì gà/ngày có nguy cơ tăng gấp 6 lần. Phụ nữ hút thuốc tăng nguy cơ tử vong vì ung thư lên 37% mỗi 5 năm so với lúc chưa hút.
Thuốc lá và bệnh lao: Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao phổi. Người hút thuốc bị lao có nguy cơ tái phát cao hơn và người lao hoạt động có tỷ lệ tử vong cao hơn người không hút thuốc bị bệnh.
Thuốc lá và viêm phổi: Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ với viêm phổi mắc phải cộng đồng bởi thuốc lá gây tổn thương lớp biểu mô hệ hô hấp và khả năng làm sạch vi khuẩn khỏi đường hô hấp. Người hút thuốc chiếm khoảng 50% số người khỏe mạnh nhiễm phế cầu. Người hút thuốc lá thụ động, trẻ em có bố mẹ hút thuốc cũng tăng nguy cơ các nhiễm khuẩn hô hấp./.
Đỗ Hằng - Thế Anh