Đây là hai trong 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đạt tiêu chuẩn quốc tế được bắt đầu được xây dựng từ cuối năm 2015 để giảm tải cho hai bệnh viện này ở Hà Nội.
Hiện cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai với 1.000 giường bệnh do Tổng Công ty 36, Tổng Công ty Thành An và Tổng công ty 319 xây dựng đã đạt 60% khối lượng và dự kiến đến cuối năm sau sẽ đi vào hoạt động. Để đảm bảo 2 bệnh viện, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng này, sẽ đi vào hoạt động sau một năm rưỡi nữa theo kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế cũng như các nhà thầu cần phải bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng của công trình, vì đây là tiền thuế, là mồ hôi công sức của nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cần triển khai ngay và phải dành nhiều thời gian cũng như công sức để đào tạo các y, bác sỹ cho 2 bệnh viện này. Vì dự kiến mỗi bệnh viện hiện đại nhất này cần tới 2.000 nhân viên, nếu không làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực thì sẽ làm lãng phí tiền thuế của nhân dân và làm mất uy tín của hai bệnh viện hàng đầu cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt - Đức là nền tảng để Bộ Y tế và Hà Nam đưa tỉnh này thành một trung tâm y tế công nghệ cao. Do vậy, Bộ Y tế cần kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các bệnh viện vệ tinh và dịch vụ phụ trợ cho các bệnh viện lớn ở đây. Thủ tướng cũng đề nghị các bệnh viện cần quan tâm đào tạo và sử dụng những người dân ở địa phương đã nhường đất cho 2 bệnh viện này. Hiện Bộ Y tế đang cùng với tỉnh Hà Nam đang tính toán và quy hoạch để xây dựng Trường Đại học Y, trong đó có trường Nha, trường Y học cổ truyền gắn với các bệnh viện thực hành cùng với Bệnh viện Lão khoa 500 giường và nhà dưỡng lão đạt tiêu chuẩn quốc tế ở Hà Nam.
Nguồn Baomoi.com