Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Thực hiện đề án 1816: Kinh nghiệm và đề xuất

6 tháng gần 3500 lượt cán bộ tuyến dưới được đào tạo Thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc "cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh", và căn cứ vào nhu cầu của tuyến dưới, tính đến ngày 31/03/2009, Bệnh viện Bạch Mai đã cử 58 cán bộ luân phiên của 31 chuyên ngành về hỗ trợ y tế cho các bệnh viện tuyến dưới.
Trong số đó, 3 tháng cuối năm 2008 đã có 35 cán bộ luân phiên của 17 chuyên ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, tập huấn - chuyển giao và hoàn thiện 62 kỹ thuật chuyên môn cho gần 2500 lượt cán bộ của 6 bệnh viện: Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, Bệnh viện Tâm thần Yên Bái, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ - Yên Bái, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên và Bệnh viện đa khoa khu vực Phố Nối - Hưng Yên. Cùng với công tác đào tạo, tập huấn cho các cán bộ của các bệnh viện tuyến dưới, các cán bộ luân phiên của Bệnh viện Bạch Mai cũng tham gia khám và điều trị trực tiếp cho 2000 lượt bệnh nhân, xử trí được 50 trường hợp bệnh nhân nặng lẽ ra phải chuyển tuyến. Những đóng góp tích cực của các cán bộ Bệnh viện Bạch Mai (tiến sỹ, bác sỹ, điều dưỡng, kỹ sư...) trong 3 tháng mở đầu triển khai Đề án 1816 đã được ngành y tế cũng như nhân dân tại các địa phương ghi nhận.

Bước sang Quý 1/2009, phát huy những thành quả đã đạt được, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục phối hợp với 11 Sở y tế khu vực phía Bắc cử 23 cán bộ của 14 lĩnh vực về hỗ trợ cho 14 bệnh viện tuyến dưới. 

Qua 6 tháng triển khai Đề án 1816, theo báo cáo sơ bộ tại các bệnh viện tuyến dưới, cán bộ về luân phiên đã tổ chức đào tạo chuyên môn cho gần 3500 lượt cán bộ y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các cơ sở y tế tuyến huyện. Tình trạng người bệnh phải chuyển tuyến trên đã giảm đi rõ rệt. Nhiều bệnh nhân lẽ ra phải chuyển tuyến, nhưng nhờ có các cán bộ luân phiên đã được điều trị thành công ngay trong điều kiện hiện có tại cơ sở... Thành công bước đầu trong công tác thực hiện Đề án 1816 đã đem lại sự tin tưởng cho người dân địa phương về năng lực chuyên môn cũng như khả năng đáp ứng về kỹ thuật của y tế địa phương. Đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp có những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, bệnh nhân có thể tử vong trên đường chuyển về tuyến trên, Bệnh viện Bạch Mai đã cử cán bộ chuyên môn giỏi, có trình độ tay nghề cao và mang theo trang thiết bị và các phương tiện y tế để cứu sống kịp thời người bệnh.

Kinh nghiệm

Trên nguyên tắc khảo sát nhu cầu chuyên môn kỹ thuật "cần" của y tế cơ sở và thực tế "có" của Bệnh viện Bạch Mai, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của đề án, Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Bạch Mai đã xác định những lĩnh vực kỹ thuật mà bệnh viện cần chuyển giao để cử cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, có khả năng chuyển giao kỹ thuật và điều trị, giải quyết chuyên môn độc lập,  nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện Đề án 1816 một cách hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, ...

Đối với các cán bộ luân phiên, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đặt ra yêu cầu: bên cạnh, việc hỗ trợ tuyến dưới trong công tác khám chữa bệnh, một nhiệm vụ quan trọng của các cán bộ là phải xây dựng nội dung, chương trình, tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề nâng cao kiến thức và các quy trình kỹ thuật chuyên môn, tư vấn cho bệnh viện tuyến dưới có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên khoa. Trên cơ sở đó, từng bước tiến hành đào tạo các cán bộ có nghiệp vụ chuyên khoa sâu thuộc các lĩnh vực (Hô hấp, Tim mạch, Thận tiết niệu, Dị ứng MDLS, Thần kinh, Nội tiết, Tiêu hoá, Y học hạt nhân, Chẩn đoán hình ảnh...) theo hình thức đào tạo "máy cái", "cầm tay chỉ việc", chuyển giao kỹ thuật y học tiên tiến, làm nền móng cho việc thành lập các đơn vị chuyên khoa sâu trong mô hình khoa Nội tổng hợp của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hiện nay. Để CBLP khi về các tỉnh có thể chủ động công tác, phát huy vai trò của những cán bộ tuyến trên khi về cơ sở, trước mỗi đợt công tác Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện đều tổ chức những buổi họp để Ban Giám đốc bệnh viện giao nhiệm vụ cụ thể và động viên tinh thần các CBLP đồng thời tập huấn cụ thể về quy trình luân phiên, quy trình tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn và các phiếu khảo sát, đánh giá thực trạng, báo cáo cuối đợt... cần phải hoàn thành khi đi luân phiên. 

Không chỉ dừng lại ở việc cử các bác sỹ, điều dưỡng luân phiên trợ giúp tuyến dưới trong lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai còn mở rộng mô hình luân phiên bằng hình thức cử các cán bộ tăng cường trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng máy móc trang thiết bị y tế, quản lý bệnh viện. Nhờ đó mà ở một số bệnh viện, có những trang thiết bị tưởng chừng như đã bị "bỏ xó" nhiều năm, chuẩn bị mang đi thanh lý; Nay cán bộ luân phiên của BVBM về, chúng đã được "hồi sinh" được trở lại với sứ mệnh của nó, tham gia vào các hoạt động chuyên môn, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho chính đồng bào mình! 

Trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ cử cán bộ đi luân phiên, Trung tâm đào tạo - chỉ đạo tuyến luôn chú trọng đến tính chất phối kết hợp - tính liên hoàn giữa chuyên ngành, tạo điều kiện để CBLP có thể phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác chuyên môn, đem lại hiệu quả cao nhất cho tuyến dưới. Ví dụ: tại BVĐK tỉnh Bắc Giang, khi thấy BV đã có CBLP của Viện K luân phiên về hỗ trợ trong lĩnh vực ngoại khoa điều trị ung bướu, BVBM liền bổ sung CBLP của Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu về hỗ trợ 2 lĩnh vực nội khoa trong điều trị ung thư (hoá trị liệu và xạ trị liệu), nhờ đó các bộ khoa Ung bướu  BV Bắc Giang có thể phát triển đồng thời, cân đối cả 2 lĩnh vực. Với mục tiêu duy trì và hỗ trợ cho lĩnh vực điều trị ung bướu, trong quý 2 - 2009, BVBM tiếp tục cử CBLP của Trung tâm Giải phẫu bệnh tế bào bệnh học - là lĩnh vực rất gắn bó với chuyên khoa ung bướu) luân phiên về BVĐK tỉnh Bắc Giang.

Để động viên tinh thần cho các cán bộ luân phiên, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã tạo điều kiện tối đa cả về tinh thần lẫn vật chất cho các cán bộ luân phiên. Bệnh viện đã họp với 11 Sở y tế của 11 tỉnh nơi cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đến hỗ trợ để Ký biên bản thỏa thuận hợp tác. Tinh thần của Bản thỏa thuận: Đối với các bệnh viện đón nhận cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cần tạo điều kiện  để cán bộ luân phiên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về phía Bệnh viện Bạch Mai, trực tiếp Giám đốc, Phó giám đốc Bệnh viện cùng lãnh đạo của các Viện/Khoa/Phòng đã tổ chức đưa và đón các cán bộ đến nơi công tác để xem xét điều kiện công tác, nơi ăn, chốn ở của cán bộ bệnh viện ở tuyến dưới. Việc tổ chức chu đáo hoạt động đưa đón đã giúp động viên tinh thần cho các cán bộ luân phiên. Kết hợp với việc đưa đón, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai cũng khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của các các bệnh viện tuyến cơ sở. Trong thời gian cán bộ luân phiên làm việc tại địa phương, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên duy trì "đường dây nóng" tới các tỉnh, đồng thời cử các các cán bộ của Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện hỗ trợ các CBLP trong công tác tổ chức các khoá đào tạo - tập huấn cho cán bộ các BVĐK tuyến tỉnh, tạo cơ hội cho cán bộ các BV huyện/thị trong địa bàn cũng được tham dự nhằm phát huy hiệu quả sâu - rộng  của Đề án: xây dựng bài giảng, chuẩn bị tài liệu và công cụ giảng dậy, triệu tập học viên, để mở các lớp đào tạo cho học viên của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. 

Bệnh viện cũng đảm bảo đầy đủ các chế độ lương thưởng cho các cán bộ luân phiên; trong quá trình công tác tại cơ sở, bệnh viện cũng đã vận dụng tối đa quy chế khen thưởng, xét nâng lương trước thời hạn đối với những cán bộ có thành tích xuất sắc, được các bệnh viện tuyến dưới biểu dương.

Đề xuất

Thực tiễn qua 2 đợt cử cán bộ luân phiên về cơ sở, Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất một số ý kiến để phù hợp với tình hình thực tế của bệnh viện và cơ sở. Thời gian luân phiên 3 tháng/một lĩnh vực có thể chuyển giao những kỹ thuật tương đối đơn giản. Để phát huy tối đa các uy thế của cán bộ đi tăng cường thời gian cố định là 3 tháng nhưng trong một số lĩnh vực nên mềm dẻo cử 2 cán bộ luân phiên tiếp sức như vậy sẽ tạo cho họ phát huy tốt nhất sở trường của mình và tại các tuyến trung ương các bác sỹ tăng cường có thể tiếp tục học tập nâng cao về chuyên môn cũng như các hoạt động khác tại bệnh viện trung ương và thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu. Các lĩnh vực hỗ trợ chuyên môn của từng bệnh viện có thể phát huy tối đa cho một tỉnh nhưng tránh chồng tréo, chuyển giao tăng cường đến đâu phát huy hiệu quả tối đa đến đó và sau khi chuyển giao kỹ thuật thì cơ sở tuyến dưới có thể tự thực hiện được để đảm bảo tính bền vững của dự án. Bộ Y tế tạo điều kiện để tuyến dưới có đủ các thiết bị thiết yếu nhằm giúp các thầy thuốc có điều kiện thực hành tại cơ sở. Song song với công tác đào tạo nâng cao năng lực của tuyến dưới, công tác truyền thông cũng cần phải đồng hành để tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân địa phương biết về hoạt động của các cán bộ luân phiên cũng như năng lực của y tế cơ sở được nâng cao, xây dựng lòng tin của nhân dân địa phương đối với y tế tuyến địa phương, họ sẽ không vượt tuyến lên tuyến trên, từ đó, góp phần thực hiện chủ trương giảm tải tuyến trên của Bộ Y tế.

TS.BSCC Nguyễn Quốc Anh - Phó giám đốc BVBM

Thành viên BCĐ Đề án 1816 - Bộ Y tế

                                                                                          

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image