Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Thực hư ăn gạo lứt, muối vừng… chữa bách bệnh?

Tin vào những công dụng “tuyệt vời”: giảm cân, giảm đường huyết... thậm chí chữa được cả ung thư được lan truyền trên mạng, nhiều người chọn chế độ ăn chay trường chỉ gồm gạo lứt, muối vừng. Khỏi bệnh đâu không thấy, nhưng đã có trường hợp nguy kịch vì chế độ ăn này.

Ăn đến 41/49 ngày thì nguy kịch

Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội vào viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có biến chứng suy thận cấp, tiêu cơ vân. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, bồi phụ điện giải.

10-11-54_go_lut
Không nên lạm dụng chế độ chỉ ăn gạo lứt, muối vừng...

PGS. TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, đây là một trong rất nhiều trường hợp tự chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng gây hậu quả nặng nề.

Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được xuất viện. Nhưng rất tiếc, chỉ một ngày xuất viện, bệnh nhân lại phải quay lại viện cấp cứu vì bị đau tim dữ dội. Lần này bà được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent.

“Bản thân bệnh nhân bị bệnh mạch vành, nên chế độ ăn chay sẽ làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim. Bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân tim mạch giảm tối đa tinh bột chế biến sẵn, thay vào đó ăn các loại hạt chế biến thô như gạo lứt. Song cần đảm bảo chế độ ăn phải cân đối, ăn nhiều cá, rau củ qua, hạn chế mỡ động vật, phủ tạng động vật chứ không khuyên ăn chay”, PGS Hùng cho biết.

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận cấp cứu nữ bệnh nhân, 57 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội nhập viện sau khi ăn chay theo độ được hướng dẫn trên mạng trong 45 ngày. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị. Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, sau giảm ý thức, được nhân viên cấp cứu 115 đưa vào viện.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim - phân biệt cơn thiếu máu não thoáng qua. Vừa được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc được 5 phút thì bệnh nhân bỗng nhiên xuất hiện giảm ý thức, ngừng tuần hoàn. Sau 40 phút cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, có tim trở lại, trên điện tim sau cấp cứu có hình ảnh tổn thương.

Sau đó, trong quá trình điều trị cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục có thêm 5 lần ngừng tuần hoàn với tình trạng rất nặng hạ kaili, suy thận cấp không cải thiện nên được lọc máu liên tục, nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi thở máy, tiêu cơ vân, suy tim… Rất may sau đó bệnh nhân đã có thể xuất viện.

Ăn chay trường có thực sự tốt?

Chia sẻ về tình trạng nhiều người chọn chế độ ăn chay như hiện nay,  BS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đây là một chế độ ăn gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau, củ, quả, các loại hạt...), hoàn toàn không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật như các loại thịt (thịt lợn, thịt bò... và các loại thịt gia cầm), cá và hải sản.

Theo BS Tiến không phải ngẫu nhiên mà nhiều người chọn ăn chay, bởi vì ăn chay có nhiều chất xơ giúp chống táo bón, giảm cholesterol, giảm thèm ăn, tránh được béo phì, chất xơ làm giảm triglyceride và mỡ xấu LDL… “Song nếu ăn chay trường diễn thường bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, can xi, vitamin B12... dễ có nguy cơ thiếu máu”, BS Tiến nói.

Vì vậy, BS Tiến khuyên người trưởng thành nên ăn chay ít nhất một tuần một lần để thanh lọc cơ thể, tránh bệnh tật, giúp tâm hồn thư thái, tinh thần nhẹ nhõm. Người lớn tuổi cần một số chất dinh dưỡng từ thức ăn nguồn động vật để duy trì sức khỏe, do họ thường khó hấp thụ dưỡng chất, vì thế ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho sức khỏe.

Chung quan điểm này, BS. Phạm Duy Tùng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cảnh báo mỗi người sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau, đặc biệt là những trường hợp có bệnh lý nền sẵn vì thế người dân không nên ăn chay theo chế độ trên mạng. Điều này có thể dẫn đến thiếu vi chất gây suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải, và gây biến chứng nặng nề. “Trước khi ăn chay, bệnh nhân cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể”, BS. Tùng chia sẻ.

Đáng ngại hơn, nhiều người bệnh ung thư còn chọn chế độ ăn chay với gạo lứt, muối vừng và tin với chế độ ăn như vậy hạn chế sự phát triển của khối u, thậm chí khỏi bệnh. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gạo lứt thực chất là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong nên vẫn giữ được chất xơ và các dưỡng chất quan trọng khác như các loại vitamin, canxi, sắt, kẽm và đạm.

Đặc biệt khi phương pháp ăn gạo lứt, muối vừng trị bệnh được coi là công trình nghiên cứu của một giáo sư người Nhật được tổ chức Y tế thế giới công nhận thì phong trào ăn loại thực phẩm này nhanh chóng lan ra nhiều nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có công trình khoa học nào trên thế giới khẳng định gạo lứt có khả năng phòng chống ung thư.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, vẫn rất cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như các nhóm thức ăn giàu protit, lipit, rau củ quả khác để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

“Ngay cả với những người khỏe mạnh bình thường, chứ chưa nói tới bệnh nhân ung thư, lạm dụng gạo lứt hàng ngày mà không có thêm dinh dưỡng khác lâu ngày có thể gây nguy hại, làm cho cơ thể suy nhược trầm trọng vì thiếu những chất mà trong gạo lứt không có”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Nguồn: https://nongnghiep.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image