Thành lập từ năm 1989, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh là Viện đầu ngành về tim mạch trong cả nước, chỉ đạo các tuyến về mặt chuyên môn và hợp tác quốc tế.
Tim mạch Việt Nam tiệm cận trình độ ngang bằng thế giới - Người dân Việt Nam không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch chia sẻ: “Cho đến giờ phút này, chúng tôi có thể khẳng định Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai luôn đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị tim mạch. Chúng tôi đã và đang tiệm cận được với các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới chứ không chỉ riêng trong khu vực. Điều đó được thể hiện qua việc hàng chục năm nay, đội ngũ bác sĩ tim mạch chúng tôi luôn được mời là những báo cáo viên, những chủ tọa đoàn, thậm chí là đồng trưởng ban tổ chức các chương trình hội nghị chuyên ngành quốc tế lớn”.
Tim mạch được chia thành ba lĩnh vực chính: Lâm sàng nội khoa tim mạch; ngoại khoa tim mạch và tim mạch can thiệp. Chúng ta đã phát triển rất mạnh, đồng đều cả ba lĩnh vực, nhưng theo xu thế phát triển của thế giới thì lĩnh vực tim mạch can thiệp cũng được chúng ta chú tâm và phát triển nổi trội hơn cả. Trong những năm gần đây, lượng người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh liên quan đến các vấn đề về tim mạch giảm, từ các vị lãnh đạo cao cấp, các bệnh nhân có điều kiện kinh tế đến những người dân Việt Nam nói chung đã có niềm tin vào chuyên ngành tim mạch của nước nhà. Có thể nói, chuyên ngành tim mạch Việt Nam đã xây dựng được trình độ chuyên môn tốt, kỹ thuật tốt, sánh vai với các nước, tạo được niềm tin cho người dân, khiến người dân tin tưởng và chữa bệnh trong nước. Sự phát triển này đã đáp ứng chủ trương của Chính phủ là không để người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Chia sẻ về thành quả này, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết: Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai không chỉ khẳng định vị thế là đơn vị đầu ngành trong cả nước mà còn có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi không chỉ đào tạo nguồn nhân lực tim mạch nói chung mà còn đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch can thiệp cho các đồng nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, chúng tôi còn góp phần chia sẻ, đào tạo một số lĩnh vực về tim mạch cho các trung tâm tim mạch trên thế giới. Trước đây, chúng ta luôn trong tâm thế là đi học của nước ngoài. Bây giờ, chúng ta vẫn học tập, không ngừng trao đổi kinh nghiệm nhưng bên cạnh đó, Viện Tim mạch đã phát triển một số kỹ thuật mới khiến một số trung tâm lớn trên thế giới đến với chúng ta để được chia sẻ và hướng dẫn. Ví dụ như, chúng ta có thể chia sẻ về lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, can thiệp bệnh lý van tim như nong van hai lá, can thiệp các bệnh lý động mạch chủ, đặt stent graft...
Cá thể hóa trên từng người bệnh
Trong những năm gần đây, Viện Tim mạch tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực tim mạch can thiệp - phẫu thuật tim mạch ít xâm lấn. Trong đó, đặc biệt là lĩnh vực tim mạch can thiệp. Năm 2022, Viện Tim mạch vẫn tiếp tục triển khai các kỹ thuật tiên tiến như kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông, sửa van hai lá qua đường ống thông. Trước kia, với những người mắc bệnh lý này, chúng ta phải mổ tim mở để thay các van tim cho người bệnh. Trong khi đó, những người phải thay van tim thường là những người cao tuổi, bệnh trọng lại phải đối diện với một cuộc mổ phanh lồng ngực, thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe kéo dài. Nhưng với sự tiến bộ, làm chủ kỹ thuật ngày nay, các bác sỹ tim mạch can thiệp của Viện Tim mạch đã giúp bệnh nhân không phải đối diện với cuộc mổ phanh đó nữa. Bệnh nhân phải thay van tim đến với Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai khi được can thiệp vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ. Thay vì mổ phanh, các can thiệp viên chỉ cần chọc một lỗ từ đùi, luồn theo đường mạch máu lên, rồi đặt một cái van vào vị trí van bị hỏng. Chỉ sau vài tiếng, người bệnh có thể đứng lên đi lại bình thường.
Đáng chú ý, Kỹ thuật đặc biệt nhất, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, đó là thay van hai lá qua đường ống thông.
Đây là một kỹ thuật vô cùng phức tạp, tinh tế bởi van hai lá nằm ở vị trí đặc biệt khiến can thiệp viên phải đưa từ đường tĩnh mạch, chọc qua vách liên nhĩ, từ nhĩ phải chọc qua vách liên nhĩ để có thể đặt một cái van vào vòng van hai lá mà bệnh nhân đã được mổ từ cũ. Van hai lá là một cấu trúc hết sức phức tạp, nó không phải hình tròn để chúng ta có thể đặt dễ dàng được. Do vậy, cho đến nay, thay van hai lá qua đường ống thông vẫn là một thách thức lớn, chủ yếu chỉ làm được ở trên những bệnh nhân đã từng phẫu thuật trước đây (bệnh nhân đã từng thay van tim bằng van sinh học).
Bên cạnh đó, các kỹ thuật lớn, kỹ thuật mới vẫn được triển khai không ngừng như thăm dò chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là siêu âm tim đã có rất nhiều tiến bộ, siêu âm 3D, 4D, siêu âm mô để công tác chẩn đoán được nâng cấp cao hơn, qua đó hướng dẫn cho can thiệp. Về mảng can thiệp, ngoài những can thiệp bệnh lý mạch vành khó, phức tạp, Viện Tim mạch đã can thiệp động mạch chủ thành thường quy nhưng nâng cấp ở mức cao hơn đó là can thiệp ở những trường hợp khó. PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết: “Đối với những người bệnh cần can thiệp động mạch chủ, khi tiến hành can thiệp, chúng tôi đục các lỗ để cá thể hóa, phù hợp với từng người bệnh, qua đó vẫn bảo vệ được những nhánh bên. Đặc biệt, lĩnh vực thay van tim qua đường ống thông, sửa van tim qua đường ống thông... có thể hoàn toàn thay thế cho một cuộc mổ với rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi”.
Lĩnh vực can thiệp nhịp tim cũng là một dấu ấn đáng kể của Viện Tim Mạch Việt Nam. Chúng tôi đã đi đầu trong triển khai các kỹ thuật thăm dò điện sinh lý, điều trị các rối loạn nhịp qua đường ống thông, cấy các loại máy tạo nhịp phức tạp không chỉ để tạo nhịp tim mà còn ngăn ngừa đột tử cho người bệnh và điều trị suy tim nặng. Viện Tim mạch cũng đã triển khai cấy máy tạo nhịp không dây, điều trị rung nhĩ bằng triệt đốt qua đường ông thông (một loại rối loạn nhịp phức tạp)… Ứng dụng các công nghệ y sinh học cũng được nghiên cứu và triển khai với việc sử dụng tế bào gốc một cách thường quy trong điều trị suy tim sau nhồi máu cơ tim nặng. Một loạt các kỹ thuật tiến bộ khác trên thế giới cũng đã được nhanh chóng triển khai, ứng dụng và phát triển tại Viện như triệt đốt giao cảm thận qua ống thông để điều trị tăng huyết áp; triệt đốt áp lạnh rối loạn nhịp; bít tiểu nhĩ phòng huyết khối; khoan phá mảng xơ vữa mạch vành và mạch ngoại vi qua ống thông; siêu âm trong lòng mạch; đo dự trữ lưu lượng vành…
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia làm chủ tọa đoàn phiên thảo luận về can thiệp tim mạch của Việt Nam tại Hội nghị quốc tế Sing Live Intervention tổ chức tại Singapore năm 2022-2023
Ghi dấu Việt Nam trên bản đồ Tim mạch Thế giới
Nhờ chiến lược phát triển đúng hướng của các cây đa, cây đề chuyên ngành tim mạch như cố GS. Đặng Văn Chung, cố GS. Đỗ Đình Địch, cố PGS. Bùi Thế Kỷ, cố GS. Trần Đỗ Trinh, rồi đến các GS. Phạm Gia Khải, GS. Phạm Khuê, PGS. Đinh Văn Tài và gần đây là GS. Nguyễn Lân Việt, GS. Đỗ Doãn Lợi... ngày nay, chuyên ngành tim mạch của Việt Nam tự tin được khắc dấu trên bản đồ y học thế giới. Bên cạnh những tên tuổi gạo cội, phải khẳng định chiến lược phát triển, chọn và bồi dưỡng thế hệ học trò kế cận để tối ưu hóa, nâng tầm chuyên ngành tim mạch của Việt Nam sánh vai với các nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới thì công lớn phải kể đến Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, GS.TS. Phạm Gia Khải - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế còn khó khăn, giáo sư Phạm Gia Khải và đồng nghiệp của mình đã hoạch định tầm nhìn chiến lược cho ngành tim mạch Việt Nam, đồng thời chọn các học trò tinh túy nhất để phát triển từng lĩnh vực. Trong số học trò đó, bác sĩ Phạm Mạnh Hùng được thày Khải ủng hộ đi theo con đường tim mạch can thiệp.
Từng bước mày mò, với trí tuệ, niềm đam mê với can thiệp tim mạch, từng bước ngắn đã dệt nên dặm dài. Và đến hôm nay, chuyên ngành tim mạch Việt Nam tự tin hiên ngang sánh vai cùng các đồng nghiệp trên thế giới. Tại những hội nghị lớn như Hội nghị tim mạch Hoa Kỳ, Hội nghị tim mạch Châu Âu, đặc biệt là những Hội nghị khoa học ở Châu Á như Hội nghị tim mạch can thiệp Singapore năm 2022 thì họ đều mời Viện Tim mạch Quốc gia có một phiên báo cáo để chia sẻ kinh nghiệm của riêng Việt Nam về những mặt bệnh đặc thù. Vì vậy, chúng ta có thể tự tin nói rằng: Chuyên ngành Tim mạch Việt Nam đứng ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và ở Châu Á.
Trong những năm vừa qua, là thời điểm khó khăn chung của ngành y và chuyên ngành tim mạch cũng không nằm ngoài những khó khăn đó. Tuy nhiên, bệnh tật thì không giảm đi mà còn tăng lên, đặc biệt là nhu cầu khám chữa các bệnh lý về tim mạch. Số liệu thống kê cho thấy: khi đại dịch Covid bùng phát, mọi mối quan tâm đều hướng về Covid thì thời điểm người bệnh tử vong cao nhất do Covid-19 là khoảng 30.000 - 40.000 người. Nhưng thực tế thì mỗi năm số người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch vẫn là khoảng 200.000 người. Chưa kể Covid cũng làm cho các bệnh lý tim mạch gia tăng. Vì vậy, việc chúng ta vẫn phải quan tâm đến các bệnh lý tim mạch từ việc phòng ngừa đến việc cứu chữa bệnh nhân kịp thời và chúng ta cũng phải phát hiện các bệnh mới nổi khi kết hợp với đại dịch Covid sinh ra.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết: Viện Tim mạch Quốc gia không chỉ là nòng cốt của Bệnh viện Bạch Mai mà chúng tôi cũng có trách nhiệm đào tạo - chỉ đạo tuyến cho cả nước. Bên cạnh đó, chúng tôi là nòng cốt của Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam. Chúng tôi liên tục tổ chức các Hội nghị Tim mạch toàn quốc, các workshop, hội thảo chuyên môn, các khóa đào tạo liên tục. Năm 2008 lần đầu tiên chúng tôi tổ chức thành công Đại hội Tim mạch Đông Nam Á ở Việt Nam với sự tham gia củaoHooij gần 3.000 đại biểu trong toàn khu vực và hơn 200 khách mời quốc tế là những giáo sư đầu ngành. Riêng trong năm 2022, chúng tôi đã tổ chức một Đại hội Tim mạch Toàn quốc với hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, hơn 100 khóa đào tạo liên tục, hơn 100 hội thảo quy mô nhỏ về những chuyên đề đặc biệt. Rất vui mừng là đội ngũ làm tim mạch trong cả nước đều được chúng tôi tạo điều kiện tối đa để cập nhật, để phát triển kiến thức. Chúng tôi cũng trực tiếp về các địa phương mở các khóa “cầm tay chỉ việc”, để phát triển lĩnh vực tim mạch can thiệp. Nhờ công tác đào tạo - chỉ đạo tuyến, chúng ta đã có được đội ngũ bác sĩ chuyên sâu, lành nghề ở địa phương. Điều này giúp cho những bệnh nhân phải cấp cứu nhồi máu cơ tim ở những tuyến tỉnh xa xôi có thể can thiệp được cứu chữa kịp thời ngay tại địa phương nơi họ sinh sống.
Khi được hỏi: Động lực nào để giáo sư có thể hoàn thành xuất sắc cả hai cương vị thầy thuốc và thầy giáo? PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết: “Tôi nhận lương chính là giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội. Vì vậy tâm huyết về giảng dạy đã thấm vào máu. Và tiêu chí của một bác sĩ, ngay trong Lời thề Hippocrates: Khi đã là một bác sĩ thì nghiễm nhiên, chúng tôi có chức năng phải đào tạo, chuyển giao cho các thế hệ sau để chúng ta liên tục có các bác sĩ nối tiếp nhau và lớp sóng sau phải chồng lên lớp sóng trước. Vì vậy lớp sóng sau được tiếp thu những kỹ thuật hiện đại hơn, tiên tiến hơn thì lớp sóng sau, học trò sau phải giỏi hơn các thầy đi trước. Có vậy, nền y học nước nhà mới phát triển được. Đó là cái chúng tôi mong muốn và chúng tôi luôn luôn có động lực để đào tạo cho thế hệ sau. Bản thân trong ngành y đã có những cách đào tạo rất riêng biệt đó là bên cạnh lý thuyết, chúng tôi song song phải đào tạo thực hành tốt và là cốt lõi.
Dù khó khăn gian khổ đến đâu, khi ta đã chọn nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo thì động lực lớn nhất đối với tôi là có được các học trò trưởng thành. Họ có thể giúp lan tỏa các ý chí nguyện vọng của người thầy thuốc và cứu giúp được nhiều người bệnh ở các tuyến. Nghề y là một nghề vất vả, đồng tiền kiếm được từ nghề y rất nhọc nhằn nhưng đáng tự hào. Trên hết, phần thưởng xứng đáng nhất là các thầy thuốc đã làm được những điều có phúc, giúp ích cho đời, cho người. Học trò của chúng tôi là những bác sĩ ở những tuyến rất xa xôi, khi cứu được những ca bệnh khó, họ rất vui và chia sẻ lại với các thầy. Đó chính là phần thưởng vô giá./.
Bài: Tiểu Vũ
Inforgraphic: Thế Anh