Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tổn thương do lạnh

Mùa đông hay những khi gặp thời tiết lạnh, cơ thể con người rất dễ bị tổn thương do lạnh. Khả năng chịu lạnh của mỗi người rất khác nhau, nên cùng trong thời tiết lạnh có người bị bệnh nặng, trong khi người khác vẫn bình thường. Các yếu tố làm tăng tổn thương do nhiễm lạnh gồm: tình trạng sức khỏe kém, tuổi cao, đang có bệnh, uống rượu hay các thuốc an thần... Gió mạnh làm chấn thương do lạnh càng thêm nặng.

Mề đay do lạnh

Khi gặp thời tiết lạnh, một số người mẫn cảm với lạnh có thể nổi mề đay ở vùng da tiếp xúc với lạnh hoặc khắp thân mình. Nếu bị ngâm nhúng cơ thể hoặc một phần chi dưới trong nước lạnh có thể gây ra các triệu chứng toàn thân nặng hoặc bị sốc. Đối với người mẫn cảm như vậy thì việc nhận biết rối loạn do nhiễm lạnh là rất quan trọng vì có thể bị tử vong khi bơi trong nước lạnh. Chứng nổi mề đay do lạnh thường có tính di truyền, khi nhiễm lạnh, bệnh nhân có cảm giác như bị bỏng trên da xảy ra sau khi phơi nhiễm với lạnh khoảng 30 phút. Một số ít trường hợp nổi mề đay khi gặp lạnh có liên quan đến việc đang mắc bệnh nhiễm khuẩn như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Đa số các trường hợp mề đay do lạnh mắc phải đều chưa rõ nguyên nhân. Muốn thử xem có bị nổi mề đay khi nhiễm lạnh, ta dùng một khối nước đá áp vào da cẳng tay trong 4-5 phút rồi bỏ ra, quan sát vùng da đó trong 10 phút: khi da ấm trở lại, một vòng mề đay xuất hiện kèm theo ngứa. Sở dĩ bị nổi mề đay và ngứa như vậy là do histamin và các chất trung gian khác được giải phóng khi nhiễm lạnh giống như trong các phản ứng dị ứng.

lanh.jpg

Tổn thương ngón tay trong hiện tượng Raynaud

Hiện tượng Raynaud

Hiện tượng Raynaud  thường gặp do lạnh với biểu hiện trắng hoặc tím ngón tay từng đợt. Lúc đầu có thể chỉ ở một hoặc hai ngón tay, sau tiến triển toàn bộ các ngón tay lan ra lòng bàn tay, nhưng hiếm khi bị ở ngón tay cái. Giai đoạn hồi phục thấy đỏ rõ, giật, dị cảm và sưng nhẹ. Hiện tượng Raynaud thường tự hết hoặc khi trở lại nơi ấm áp hay ngâm tay vào nước ấm. Tổn thương gồm: tê cóng, cứng, giảm cảm giác và đau nhức, teo mô mỡ tận cùng và da đầu chi, loét hoại tử gần móng tay. Bệnh hay gặp ở phụ nữ từ 15-45 tuổi. Điều trị: cần giữ ấm cơ thể và tay nhất là phải bảo vệ khi ra ngoài trời lạnh.

Hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt là bị giảm nhiệt độ trong sâu cơ thể (ở trực tràng) xuống dưới 35oC, dẫn đến giảm các họat động sinh lý, giảm tiêu thụ ôxy và làm chậm sự tái phân cực cơ tim, giảm dẫn truyền thần kinh ngoại vi, giảm nhu động dạ dày,  ruột, hô hấp, cô đặc máu và viêm tụy. Cơ thể tự vệ bằng phản ứng co mạch máu bề mặt và tăng sản xuất nhiệt chuyển hóa. Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt khi phơi nhiễm kéo dài với lạnh hoặc rất lạnh trong môi trường không khí hay nhúng nước. Tình trạng này có thể gặp ở những người khỏe mạnh bị  nhiễm lạnh trong quá trình lao động, sinh hoạt hoặc bị tai nạn trong thiên tai, bão lụt. Đối tượng có nguy cơ cao hạ thân nhiệt gồm: ở thời tiết lạnh như rét đậm, rét hại, người già, trẻ em và người không hoạt động sống trong những ngôi nhà không đủ sưởi ấm; bệnh nhân bị bệnh tim mạch, mạch máu não, chậm phát triển tâm thần, thiếu dinh dưỡng, phù niêm, nhược năng tuyến yên, nghiện rượu dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột; dùng các thuốc an thần...

Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt có các triệu chứng sau: mệt mỏi, buồn ngủ, ngủ lịm, trạng thái kích thích, lú lẫn và mất sự phối hợp. Khi nhiệt độ cơ thể quá thấp, bệnh nhân bị mê sảng, buồn ngủ, hôn mê và có thể ngừng thở. Không đo được  huyết áp và nhịp mạch. Bệnh nhân bị nhiễm acid chuyển hóa, tăng kali huyết, viêm phổi, viêm tụy, rung thất, hạ glucose huyết hay tăng glucose huyết, rối loạn đông máu và suy thận. Các rối loạn nhịp tim trực tiếp liên quan đến hạ thân nhiệt, tử vong do suy tim hoặc rung thất.

Điều trị: Bệnh nhân hạ nhiệt nhẹ (nhiệt độ trực tràng trên 33oC) thường đáp ứng tốt với giường ủ ấm hoặc sưởi ấm bằng cách tắm ấm hoặc đắp chăn ấm. Bệnh nhân hạ nhiệt vừa hay nặng (nhiệt độ trực tràng dưới 33oC) cần sưởi ấm tích cực, trợ tim mạch, cân bằng acid base, ôxy động mạch và khối lượng tuần hoàn đầy đủ. Cần đặt ống nội khí quản, đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho bệnh nhân, truyền dịch ấm và điều trị nhiễm acid chuyển hóa. Dùng kháng sinh đối với bệnh nhân là trẻ sơ sinh, người già hoặc bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

BS. Trần Thục Anh
Suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image