Ngày 25/01/2019, bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng công ty Abbort tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng năm 2018. Dự án được thực hiện thí điểm tại 8 đơn vị của bệnh viện trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền - Phó giám đốc bệnh viện biểu dương Phòng Điều dưỡng, Phòng Kế hoạch tổng hợp và Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng đã phối hợp cùng Công ty Abbort và các đơn vị thí điểm thành công một dự án có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh. “Nồi cơm đi trước, liều thuốc theo sau” - dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác điều trị và chăm sóc người bệnh. Thực tế cho thấy, những bệnh nhân được chăm sóc tốt về dinh dưỡng sẽ phục hồi nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian nằm viện, đặc biệt là các bệnh nhân nặng.
Trong báo cáo tổng kết, Ths. Nguyễn Thị Hương Giang - Phó trưởng phòng Điều dưỡng trưởng cho biết: Trong thời gian thực hiện dự án đã tổ chức được 16 buổi đào tạo cho 610 lượt bác sĩ, điều dưỡng về sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng; tổ chức 36 buổi truyền thông về dinh dưỡng cho hơn 1000 lượt người bệnh tại các đơn vị; có tổng số 28.776 bệnh nhân được sàng lọc trên tổng số 30.230 bệnh nhân nhập viện, trong đó phát hiện số lượng bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng là 7.775 bệnh nhân (chiếm 27.01%). Trong số những người bệnh được đánh giá có nguy cơ này thì 6.831 người bệnh được can thiệp (đạt tỷ lệ 87,85%).
Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng Dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai được triển khai từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018 tại 8 đơn vị gồm Viện Tim mạch, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Trung tâm Chống độc, Khoa Cơ xương khớp, Khoa Y học cổ truyền, Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, Khoa Ngoại tổng hợp và Khoa Phẫu thuật Thần kinh với mục tiêu sàng lọc, đánh giá nguy cơ suy dinh dưỡng và có các can thiệp sớm cho người bệnh; Tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức và năng lực của các chuyên gia y tế thông qua các khóa tập huấn, hướng dẫn quy trình sàng lọc, đánh giá và quy trình can thiệp dinh dưỡng lâm sàng cho các cán bộ và nhân viên y tế tại bệnh viện qua đó cải tiến về chất lượng cho người bệnh được chẩn đoán là suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng đã được đẩy mạnh tại các đơn vị. Qua đó, người bệnh đã nhận thức tốt hơn về vai trò của dinh dưỡng trong điều trị cũng như hiểu được các kiến thức chung về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng nói chung.
Mai Thanh/Ảnh: Thế Anh