Ung thư vú tái phát là khi ung thư trở lại sau điều trị ban đầu. Dinh dưỡng, vận động hợp lý và giữ tinh thần lạc quan giúp trì hoãn sự trở lại không mong muốn.
Nhận biết ung thư vú tái phát
Chuyên gia của Bệnh viên K T.Ư cho hay, ung thư vú có thể tái phát bất kỳ thời điểm nào tại chỗ, tại vùng, hoặc có thể di căn các tạng: hạch, xương, gan, phổi, não... Khi ung thư tái phát di căn thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
Có thể nhận biết triệu chứng tái phát tại chỗ: Khối u cục cứng tại vùng vú đã phẫu thuật; da trên vú co rút hay phù nề, viêm đỏ; xuất hiện một hay nhiều khối u không đau sờ rắn dưới da; tiết dịch, rỉ nước hoặc sẹo mổ không liền.
Khối u di căn với việc có thể sờ thấy hạch vùng cổ, vùng trên xương đòn, cứng, ít di động; sờ thấy hạch vùng nách cùng bên hay đối bên. Có thể là tình trạng đầy bụng, khó tiêu; đau tức bụng, đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác...
Ung thư vú ngày càng trẻ hóa, thường nguy cơ tái phát, di căn sẽ gặp với những trường hợp: khối u lớn; không xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn…
Tái khám định kỳ theo hẹn để được theo dõi phát hiện sớm các bất thường (nếu có). Khi người bệnh ung thư vú nghi ngờ hoặc được xác định tái phát di căn thì cần gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn kịp thời. Tùy vào sức khỏe bệnh nhân, giai đoạn và phương pháp điều trị trước đây, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp.
Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh điều trị ung thư vú nên tái khám 3 tháng/lần trong 2 năm đầu và 6 tháng/lần trong 3 năm tiếp theo để phát hiện và kịp thời điều trị.
Khám tầm soát, kiểm tra định kỳ là biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm ung thư vú.
Tầm soát phát hiện sớm ung thư vú giúp điều trị hiệu quả, giảm nguy cơ tái phát sau điều trị
Thịt đỏ nào nên hạn chế?
Tuy việc ung thư tái phát khó kiểm soát, nhưng nên duy trì chế độ ăn phù hợp để giảm nguy cơ ung thư tái phát. Trong đó, tăng cường rau xanh, trái cây.
Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì bằng chế độ ăn và luyện tập phù hợp. Lưu ý, cần được bác sĩ hướng dẫn về thời điểm luyện tập và chế độ tập tránh nguy cơ bị chấn thương.
GS-TS Lê Thị Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, người ung thư nên ít ăn thịt đỏ, nhưng là thịt của con bốn chân, không phải là thịt có màu đỏ. Người bệnh ung thư nên ăn nhiều thịt gia cầm, thịt gà, thịt vịt. Trong trường hợp thèm ăn có thể ăn thịt đỏ với lượng nhỏ theo tư vấn của bác sĩ. Bên cạnh đó, thêm các loại thịt cá, tôm, hải sản vì chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như omega 3, omega 6, các chất khoáng, vitamin, kẽm, sắt…
Các bác sĩ lưu ý thêm, người bệnh được chẩn đoán ung thư (UT) thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bệnh nhân không nên nghe theo những lời khuyên phản khoa học mà tự ý cắt giảm khẩu phần ăn. Nếu cơ thể suy kiệt, không đủ sức chống chọi với UT thì dù bệnh nhân có điều trị theo đúng phác đồ vẫn có thể tử vong. Do đó, duy trì dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp cho người UT là điều kiện cần thiết cho điều trị.
Nếu người mắc UT mà nhịn ăn hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp sẽ phải gánh hàng loạt hậu quả, tác động tiêu cực đến sức khỏe như: suy dinh dưỡng, teo cơ, suy giảm sức đề kháng điều trị, kéo dài thời gian nằm viện. Dinh dưỡng không phù hợp còn khiến người mắc UT không đủ sức khỏe để được phẫu thuật, xạ trị, chất lượng sống giảm sút.
Lưu ý, một số trường hợp ung thư vú có bệnh mạn tính: đái tháo đường, tăng huyết áp… cần tuân thủ đầy đủ chế độ thuốc, dinh dưỡng… Đặc biệt, cần giữ tinh thần lạc quan để việc điều trị ung thư hiệu quả hơn, ngay cả khi tái phát.
Nguồn: https://thanhnien.vn