Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Trò chuyện về trái tim

Cứ 2 giây lại có người qua đời vì bệnh tim mạch, tuy nhiên, 90% bệnh lý tim mạch có thể dự phòng được nếu chúng ta được trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh - các chuyên gia cho biết tại Chương trình tọa đàm "Trò chuyện về trái tim” tổ chức hôm qua 11-5 tại HN.
Tim mạch - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành về tim mạch cung cấp các kiến thức giúp mọi người hiểu rõ hơn nguyên nhân và biện pháp phòng tránh bệnh tăng huyết áp (HA) cũng như bệnh tim mạch (BTM); các kỹ thuật hiện đại điều trị được áp dụng tại Viện Tim mạch (BV Bạch Mai).

GS Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch quốc gia cho biết: BTM là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Trung bình cứ 2 giây lại có một người chết do BTM, cứ 3 người tử vong thì có một người mắc BTM. BTM hiện cũng là nguyên nhân hàng đầu của tàn phế sau đột quỵ. Mỗi năm có khoảng 10 triệu người sau đột quỵ còn sống, thì một nửa trong số đó bị tàn tật vĩnh viễn. BTM còn được dự đoán là nguyên nhân lớn nhất gây tàn phế trên thế giới vào năm 2020. 

"Hiện nước ta có khoảng 11 triệu người bị tăng HA và các bệnh liên quan như tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và tiểu đường” - GS Khải nhấn mạnh. Những người có BTM tiềm ẩn thường không có triệu chứng gì. Một trong những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện là bị nhồi máu cơ tim hoặc bị đột quỵ; khi đó tình trạng bệnh đã nguy kịch. 

Theo PGS Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, có đến 75% số trường hợp bị BTM trên thế giới xuất phát từ những yếu tố nguy cơ rất thông thường như không hoạt động thể lực, béo phì và hút thuốc lá. 


Cần biết số đo huyết áp như chính tuổi của mình

"BTM đang tăng. Bên cạnh đó, bệnh tăng HA cũng gia tăng. Năm 2002 chúng tôi nghiên cứu trong cộng đồng thấy tỉ lệ người dân trên 25 tuổi mắc bệnh tăng HA là 16,3%, đến 2008 tỉ lệ này đã tăng lên 25%. Đây là điều rất lo ngại vì tăng HA là yếu tố nguy cơ số 1 của các bệnh về tim mạch”, PGS Lợi cho biết.

Còn theo PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư kí Hội Tim mạch quốc gia VN, tăng HA là kẻ giết người thầm lặng số 1. "Tăng HA thường đi kèm theo các yếu tố nguy cơ tim mạch khác làm nguy cơ bị biến cố tim mạch gia tăng nhanh”.

Tại Việt Nam, cứ 10 người lớn có 4 người bị tăng HA. 50% trong số này không biết mình bị tăng HA. Chỉ có 60% có điều trị và chỉ có 35% trong số điều trị là khống chế được HA mục tiêu. Trong khi đó hơn 90% trường hợp tăng HA là không có biểu hiện.

Biện pháp phòng tránh tăng HA là giảm cân nếu thừa cân; không hút thuốc lá, thuốc lào; ăn uống hợp lý, không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn); tập thể dục đều đặn; hạn chế uống rượu bia; tránh các căng thẳng; thường xuyên kiểm tra HA của bản thân; kiểm tra các nguy cơ khác: rối loạn đường máu, lipid máu.

VN đã có một Chương trình mục tiêu quốc gia, quản lí và điều trị bệnh nhân tăng HA trong cả nước. "Mỗi người cần biết số đo HA như chính tuổi của mình” là thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống bệnh tăng HA 17-5 năm nay, WHO đưa ra.
 
Theo Đại đoàn kết 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image