Những thập niên trước, điều trị các bệnh lý nội sọ chủ yếu bằng phẫu thuật mở, tiếp đến là phẫu thuật vi phẫu..., gần đây sự ra đời của máy xạ trị gia tốc Cyber knife và đặc biệt là xạ phẫu bằng dao Gamma quay (Rotating Gamma Knife) đã giải quyết được những trường hợp khó hoặc không thể phẫu thuật được.
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á đã triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật xạ phẫu bằng dao Gamma quay.
PGS.TS. Trần Đình Hà – PGĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Để điều trị bệnh u não cũng như bệnh lý sọ não thì phương pháp kinh điển là phẫu thuật, sau đó là xạ trị chiếu ngoài bằng máy Coban-60, gia tốc và bây giờ có thêm phương pháp xạ phẫu bằng dao Gamma quay.
Với phương pháp mổ mở thì phải gây mê, có thể nguy hiểm, nhiều biến chứng, thời gian nằm viện kéo dài, chi phí tốn kém. Nhiều trường hợp không thể phẫu thuật được do u ở sâu trong não, ở vị trí nguy hiểm hoặc do bệnh nhân yếu, có bệnh lý phối hợp.
Với phương pháp xạ trị chiếu ngoài bằng máy Coban - 60 hoặc máy gia tốc, chiếu bằng cả chùm tia khó khu trú trực tiếp vào tổn thương, các tổ chức lành cũng sẽ bị ảnh hưởng do chiếu xạ, liều xạ vào khối u sẽ khó đạt mức tối đa để hủy diệt, hiệu quả điều trị không cao.
Phương pháp xạ phẫu bằng dao Gamma quay bao định hướng quay quanh đầu bệnh nhân, nguồn phóng xạ phát tia từ nhiều hướng khác nhau để hội tụ chính xác vào khối u, nên liều bức xạ tại khối u là cao nhất mà ít ảnh hưởng tới tổ chức lành, đem lại hiệu quả cao trong điều trị khối u và rất an toàn”.
Sau 10 năm triển khai phương pháp xạ phẫu bằng dao Gamma quay, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị khoảng 4000 bệnh nhân u não và các bệnh lý sọ não khác. Trung bình mỗi ngày điều trị khoảng 2 - 4 bệnh nhân. Kết quả cho thấy, chưa có trường hợp nào bị biến chứng nặng, không có bệnh nhân bị tử vong trong quá trình xạ phẫu. Đây là một một con số ấn tượng và lạc quan cho nền y học nước nhà.
Một trong những ca điều trị thành công là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đa T (26 tuổi, quê ở Hải Dương) bị bệnh U tuyến tùng. Hiện tại anh T đã lập gia đình và có một con, anh vui vẻ chia sẻ: “Cuối năm 2009 tôi vào viện vì đau đầu nhiều, buồn nôn, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị u tuyến tùng. Sau đó tôi được các bác sĩ điều trị xạ phẫu bằng dao Gamma quay.
Trước lúc xạ phẫu bác sĩ tư vấn đây là phương pháp mới, tôi cũng đã nghe về công nghệ này, gia đình tôi hoàn toàn nhất trí cho tôi điều trị và tôi tin tưởng là sẽ thành công. Hiện tại sức khỏe của tôi đã hoàn toàn ổn định, chỉ có một bên mắt thỉnh thoảng khó nhìn nhưng sức khỏe của tôi nhìn chung là tốt”.
Theo quy trình chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai các bệnh nhân sau khi xạ phẫu sẽ được tái khám định kỳ, được các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn theo dõi và chăm sóc tốt sức khỏe.
Trong những năm qua Trung tâm đã thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm trao đổi trực tiếp giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với các bác sỹ, để trực tiếp trả lời các câu hỏi, giải đáp các vấn đề mà bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đưa ra nhằm mong muốn kéo gần khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ, tạo điều kiện để bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, đặc biệt giảm những lo lắng về mặt tâm lý cho bệnh nhân.
Các bác sĩ và các chuyên gia đã giúp cho bệnh nhân nhận thức, hiểu được bệnh lý của mình, nhằm lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý và đặc biệt là việc theo dõi, chăm sóc người bệnh sau xạ phẫu. Mục đích mà đội ngũ y bác sỹ hướng tới là: tiếp tục quản lý, chăm sóc, và theo dõi tốt sức khỏe người bệnh sau khi điều trị.
Như vậy, phương pháp xạ phẫu bằng dao gamma quay là bước tiến lớn trong ứng dụng kỹ thuật cao, hiện đại của nền y học nước nhà và đem lại những hạt giống tốt lành, niềm hy vọng lớn lao cho những bệnh nhân bấy lâu nay coi u não, ung thư di căn não là “án tử”.
Nhã Phương/VTC