TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế và ThS.BS. Trịnh Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đồng chủ trì Hội thảo và định hướng cho các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của truyền thông trong thực hiện chính sách BHYT kinh nghiệm tổ chức các hoạt động truyền thông và cải cách thủ tục hành chính quy trình khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở KCB; mô hình về triển khai lồng ghép truyền thông BHYT trong hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Văn Khảm cho biết: bệnh viện là nơi thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất những chính sách, qui định pháp luật về quyền lợi của người dân có thẻ BHYT sử dụng các dịch vụ y tế. Vì vậy, vai trò của cơ sở khám chữa bệnh trong công tác truyền thông về BHYT rất quan trọng để giúp người bệnh được thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế tại các cơ sở KCB; đồng thời giúp bệnh viện giảm thiểu thời gian cho công việc hành chính; tăng chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn. Nội dung truyền thông BHYT cần tập trung vào những băn khoăn của người bệnh như thủ tục và quy trình khám chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh được BHYT chi trả bao gồm những gì; người bệnh sẽ được hưởng lợi gì khi có BHYT…
Tham luận tại hội thảo, BSCKII. Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ: Để tăng cường hoạt động truyền thông KCB BHYT tại BV cần xác định rõ đối tượng, mục tiêu, nội dung truyền thông để có thể đưa ra hình thức truyền thông phù hợp và hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta xác định được ai làm truyền thông, truyền thông đến ai, truyền thông cái gì bằng phương thức nào và nhằm mục tiêu gì?
Với cách tiếp cận đó, BVBM đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động truyền thông thiết thực…Với phương thức truyền thông nội bộ: bệnh viện đã phối hợp với BHYT xây dựng quy trình giải quyết chế độ BHYT cho BN cấp cứu nhanh gọn, thuận tiện; Phòng Kế hoạch Tổng hợp xây dựng “Tài liệu hướng dẫn” thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Những nội dung này được phổ biến trong giao ban tháng, trong các dịp kiểm tra bệnh viện,…Với phương thức truyền thông cộng đồng: BV tổ chức thiết kế, xây dựng và phát tờ rơi “Những điều cần biết về Luật BHYT”; treo poster, viết bài phát thanh trên hệ thống phát thanh và LCD tại các khu vực tiếp đón người bệnh, viết bài truyền thông đăng trên website của BV… Truyền thông trực tiếp cho nhóm đối tượng BN mắc bệnh mạn tính, điều trị dài ngày…
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, để hạn chế và khắc phục những bất cập đã và đang xảy ra tại BV, hoạt động truyền thông cần được làm tốt ngay từ cộng đồng, ngay từ y tế cơ sở. Và để làm tốt điều này, một điều không thể thiếu đó là sự đồng hành của cơ quan bảo hiểm với các cơ sở KCB để có tiếng nói chung trong việc đưa ra những thông tin nhằm truyền thông tới người dân về quyền lợi và nghĩa vụ khi sử dụng thẻ BHYT trong KCB. Và hơn nữa, các cơ sở KCB cần có được nguồn kinh phí tối thiểu để xây dựng những kế hoạch truyền thông chủ động.
Hội thảo đã khép lại với nhiều thắc mắc được giải đáp, nhiều kinh nghiệm được chia sẻ và một số kiến nghị của các đại biểu sẽ được Trung tâm Truyền thông BYT ghi nhận và thể hiện bằng văn bản để gửi đến các đơn vị có liên quan nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác truyền thông hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân trong những năm sắp tới.
Đỗ Hằng