Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Tư vấn trực tuyến: “Tác hại của chì đối với sức khỏe con người”

Các chuyên gia tư vấn đến từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai sẽ giải đáp thắc mắc trên VOV.VN lúc 9h ngày 27/10 tại 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chì là một kim loại hoàn toàn độc với nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ em. Các nhà khoa học đã chứng minh, nồng độ chì máu càng tăng thì trí tuệ của trẻ càng giảm.

Do chì ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, ở các nước phát triển việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, hàn vá tàu thuyền, hàn vá các loại ống đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Nhiều nước (trong đó có nước ta) đã ngừng sử dụng chì làm phụ gia trong xăng dầu.

Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, trong xương (khi đã vào xương khó thải loại, muốn thải loại phải mất 30 - 40 năm), gây tổn thương cho hệ thần kinh và não, chì tập trung ở chất xám của não và tủy sống. Đặc biệt là trẻ em mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3 - 4 lần người lớn. Chì kìm hãm phản ứng ôxy hóa gluco để tạo ra năng lượng cho cơ thể. Chì gây thiếu máu: ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ; giảm lượng hồng cầu. Trên thận: chì gây tổn thương thận, giảm thải trừ acid uric qua nước tiểu làm tăng acid uric trong máu gây bệnh gout.

Trên xương, chì làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, giảm chiều cao ở trẻ ngộ độc chì. Với hệ sinh sản, chì làm giảm chức năng sinh sản cả nam và nữ, giảm tình dục, giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm tinh trùng, thay đổi hình thái và tính di chuyển của tinh trùng. Làm thai chậm phát triển, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, dễ sẩy thai, đẻ non. Trẻ sinh ra bị dị tật như: hở hàm ếch, u máu, u limpho, thần kinh chậm phát triển.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 99% các trẻ bị ngộ độc chì là ở các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Ở Việt Nam, bên cạnh các nguyên nhân gây ngộ độc chì tương tự các nước khác, việc sử dụng các thuốc cam có chứa chì, tái chế chì từ ắc quy, sản xuất không an toàn hoặc sửa chữa ắc quy cũng là các nguyên nhân rất thường gặp, đã và đang gây nên nhiều trường hợp ngộ độc. Ngộ độc chì là loại ngộ độc nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được.

Đáp ứng yêu cầu của đông đảo độc giả, lúc 9h sáng thứ Ba ngày 27/10/2015, Báo Điện tử VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN) sẽ tổ chức chương trình trực tuyến với chủ đề “Tác hại của chì đối với sức khỏe con người” tại 45 Bà Triệu, Hà Nội..

Các chuyên gia tư vấn: TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.Phạm Duệ, Ths. Nguyễn Trung Nguyên sẽ giải đáp những câu hỏi của bạn đọc về việc làm thế nào để phát hiện, phòng tránh nhiễm độc chì và những ảnh hưởng, tác hại của chì với sức khỏe, các biện pháp giải quyết với những người có lượng chì trong máu cao.

Quý vị và các bạn quan tâm, có thể gửi câu hỏi tới Bác sỹ, chuyên gia tư vấn theo địa chỉ: toasoanvov.vn@gmail.com; điện thoại: 04.2213 0231./.

VOV.VN

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image