Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một bệnh có nguy cơ gây tử vong cao và chi phí điều trị tốn kém. Chi phí cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tương đương với chi phí cho ung thư phổi. Chi phí này tăng lên tương ứng với mức độ nặng của bệnh, số ngày nằm điều trị tại viện, đặc biệt tại các khoa điều trị hồi sức cấp cứu .
Tỷ lệ mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại một số quốc gia châu Á cũng cao đáng kể. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh sẽ tăng 3 – 4 lần trong thập kỷ này. Ở nước ta mới chỉ có một số nghiên cứu về dịch tễ học Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được tiến hành trên từng khu vực nhất định, những kết quả ban đầu cho thấy tỷ lệ mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chung ở Việt Nam là 4,2% ở người trên 40 tuổi, trong đó tỷ lệ mắc ở nam giới là 7,1% cao hơn ở nữ giới (1,9%). Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các quốc gia. Đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tiếp tục nằm trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trong khi các nguyên nhân khác đều có xu hướng ổn định hoặc giảm dần.
Song song với BPTNMT là hen phế quản, hen gặp ở tất cả các lứa tuổi, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc hàng ngày khi tình trạng bệnh không được kiểm soát. Tỷ lệ mắc hen phế quản vẫn tiếp tục gia tăng dẫn tới gia tăng tỷ lệ tử vong. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường và đô thị hóa. Hen phế quản gây lãng phí khoảng 15 triệu năm cuộc sống và khoảng 1% tổng gánh nặng bệnh tật. Chi phí cho điều trị bệnh hen phế quản bằng cả hai căn bệnh là lao và HIV/AIDS cộng lại. Tỷ lệ tử vong do hen hiện nay chỉ đứng sau ung thư.
Trước sự nguy hiểm gia tăng nhanh chóng của Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, Chương trình mục tiêu quốc gia đã đưa vào nội dung phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản với mong muốn nâng cao nhận thức đúng của nhân dân về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cũng như các yếu tố nguy cơ của bệnh. Nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở các tuyến y tế. Xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên toàn quốc.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: BVBM vinh dự nhận được sự tin tưởng làm đơn vị triển khai chương trình. Qua 4 năm triển khai dự án, với 29 tỉnh/thành hiện tại, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. triển khai khảo sát đánh giá kiến thức, thái độ, hành vi của cán bộ y tế, bệnh nân và người nhà bệnh nhân, xây dựng trang web, truyền thông trên đài truyền hình, báo điện tử… triển khai khám sàng lọc cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân, qua đó phát hiện bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, đào tạo giảng viên nguồn cho các tỉnh tại BV Bạch Mai. Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế của các tỉnh tham gia dự án. Tại các địa phương có các phòng quản lý, hoạt động của các phòng quản lý đó cũng đã đạt được hiệu quả tích cực, thu hút được nhiều bệnh nhân và tiến tới triển khai mô hình phòng quản lý ở tuyến huyện.
Đánh giá hiệu quả của Dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản năm 2014, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhận định: Năm 2014, Dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hoàn thành tốt các chỉ tiêu chuyên môn đã cam kết với Bộ Y tế. Thứ trưởng khen ngợi và đánh giá cao những hoạt động của dự án trong năm 2014, mặc dù có rất nhiều khó khăn, kinh phí rất hạn hẹp nhưng Ban Quản lý Dự án đã triển khai dự án trong phạm vi 29 tỉnh, thành phổ trải dài khắp Bắc- Trung- Nam và đã nỗ lực thực hiện thành công các chỉ tiêu chuyên môn của dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, hoạt động của Ban đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Bộ Y tế đánh giá rất cao và ghi nhận những nỗ lực của các thành viên trong Ban Điều hành Dự án đã vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu chuyên môn đã cam kết.
Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ cho Dự án triển khai hiệu quả, đề nghị Sở Y tế 29 tỉnh đã có Dự án triển khai và 16 tỉnh sẽ triển khai Dự án trong năm 2015, phối hợp chặt chẽ với Ban Điều hành Dự án ở Trung ương để triển khai kịp thời, hiệu quả và thống nhất các nội dung trong toàn dự án.
Đỗ Hằng