NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 2024, HỘI THẢO KHOA HỌC VỚI CHỦ ĐỀ “ỨNG DỤNG KỸ THUẬT LỌC MÁU ĐÀO THẢI CO2 QUA MÀNG LỌC NGOÀI CƠ THỂ” ĐÃ ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI VỚI SỰ THAM GIA CỦA CÁC CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH TRONG LĨNH VỰC HỒI SỨC TÍCH CỰC CỦA VIỆT NAM VÀ THÁI LAN, THU HÚT SỰ QUAN TÂM CỦA ĐÔNG ĐẢO GIỚI CHUYÊN MÔN.
Mở đầu hội thảo, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã nhấn mạnh tính ưu việt của kỹ thuật lọc máu đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể (viết tắt là ECCO2R) - một kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu được áp dụng hiệu quả trong các trường hợp bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển (ADRS) và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc các trường hợp tăng CO2 máu không đáp ứng với biện pháp thông khí nhân tạo, giảm nguy cơ tổn thương phổi và đào thải CO2 ra ngoài, là một kỹ thuật ít xâm lấn, ít biến chứng. Kỹ thuật mới này nếu được áp dụng rộng rãi ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố nước ta thì nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có cơ hội được hưởng lợi, bác sĩ có thêm điều kiện và phương tiện để điều trị cho những trường hợp bệnh phổi phức tạp đã nêu trên và các bệnh lý liên quan tăng CO2 máu không đáp ứng với biện pháp thông khí nhân tạo cần đến sự trợ giúp đắc lực của chuyên ngành hồi sức tích cực. Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện lớn khác tại 3 miền Bắc Trung Nam đã triển khai và cho thấy những kết quả tích cực cho người bệnh.
Bác sĩ Kai Harenski, Giám đốc Y khoa toàn cầu - Ngành hàng Chăm sóc tích cực, Tập đoàn Baxta Corporation đã trình bày về tổng quan kỹ thuật lọc máu đào thải CO2 qua ngoài màng cơ thể (ECCO2R). Người bệnh khi bị tổn thương nặng ở phổi sẽ phải thở máy để thông khí bảo vệ phổi. Trên thực tế chúng ta thấy, khi máy thở hỗ trợ càng cao cho người bệnh thì nguy cơ những tổn thương phổi có thể tăng, CO2 trong máu cũng tăng và đẩy vào tình trạng bệnh có nguy cơ nặng hơn. Để chế ngự tình trạng này, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát minh ra kỹ thuật tiến bộ loại thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể, giúp kiểm soát và đào thải CO2, giảm bớt gánh nặng cho phổi và tăng khả năng hồi phục cho người bệnh. Cơ chế của kỹ thuật này là máu trong tĩnh mạch của người bệnh sẽ được hút ra bằng bơm của máy thông qua Catheter 2 nòng. Máu của người bệnh sẽ được đi qua màng bán thấm có tác dụng trao đổi và đào thải CO2. Máu sau khi được lọc và có nồng độ CO2 thấp sẽ được trả về cho bệnh nhân. Hiệu suất kỹ thuật ECCO2R được tối ưu hóa vừa hạn chế xâm lấn vừa cho phép tốc độ máu cao, làm ấm bệnh nhân, tăng cường độ chính xác điều trị tổng thể, có thể kết hợp các liệu pháp lọc máu đào thải CO2 (ECCO2R) ngoài cơ thể, liệu pháp lọc máu liên tục (CRRT) và quản lý nhiễm khuẩn huyết để tăng khả năng điều trị.
Giáo sư Nattachai Srisawat - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện đại học Chulalongkorn, Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng kỹ thuật lọc máu đào thải CO2 màng ngoài cơ thể ở Thái Lan. Với 3 ca lâm sàng được áp dụng kỹ thuật ECCO2R - Bệnh nhân nam bị viêm phổi cấp và suy hô hấp cấp; Bệnh nhân nữ viêm cơ tim, đột quỵ, ngừng tuần hoàn, viêm phổi liên quan đến máy thở; Bệnh nhân nam tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, u lympho tế bào B lan tỏa, GS người Thái Lan đã đưa ra quan điểm cá nhân: Về thời điểm áp dụng kỹ thuật cần cân nhắc không quá sớm hoặc quá muộn, lựa chọn những bệnh nhân suy hô hấp tiến triển hạ ôxy hoặc ứ CO2 với mục tiêu bảo vệ phổi, cân nhắc những dấu hiệu về sinh học, mô hình dự đoán nguy cơ và áp lực đẩy dưới 15, phổi bị tổn thương. Báo cáo viên cũng quan tâm đến việc đào tạo và thực hành đối với nhân viên y tế, những nghiên cứu rút ra từ thực tiễn, so sánh tỷ lệ tử vong và những kết quả khi áp dụng kỹ thuật mới.
PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn và TS.BS Bùi Văn Cường - Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng kỹ thuật ECCO2R tại Bệnh viện Bạch Mai qua các ca lâm sàng trên các bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và các bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Qua những kết quả điều trị thực tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực, các bác sĩ rút ra kết luận: Kỹ thuật lọc máu đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể là một phương pháp hiệu quả loại bỏ CO2 ở những bệnh nhân nguy kịch mà việc hỗ trợ máy thở thông thường là không đủ. Kỹ thuật tiến bộ này vẫn đang phát triển trong thực hành lâm sàng: Quy tắc đúng người, đúng nơi và đúng thời điểm, quan tâm cá thể hóa và điều chỉnh theo bối cảnh địa phương là giải pháp cho việc ứng dụng kỹ thuật này tại Việt Nam.
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi, nhiều câu hỏi tại các điểm cầu và trong khán phòng đã được gửi tới chủ tọa và các báo cáo viên, các ý kiến đại đa số tập trung vào vấn đề hiệu quả, lựa chọn bệnh nhân, so sánh giữa kỹ thuật ECMO (tuần hoàn và trao đổi ôxy ngoài cơ thể) và kỹ thuật ECCO2R (kỹ thuật lọc máu đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể), sự kết hợp giữa kỹ thuật lọc máu liên tục (CRRT) và ECCO2R, vấn đề đào tạo nhân lực, giá thành kỹ thuật, câu chuyện chiến lược và thách thức ...Tất cả cùng mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ được triển khai đồng bộ, đồng thời ở các bệnh viện lớn tuyến tỉnh, thành phố để nâng cao chất lượng điều trị, cứu được nhiều bệnh nhân nặng.
Sau thành công triển khai ứng dụng kỹ thuật ECCO2R từ tháng 8 năm 2023 tại Bệnh viện Bạch Mai, gần một năm với nhiều bước tiến, hội thảo lần này đánh dấu những thành công mới của ngành hồi sức tích cực, mở ra nhiều hy vọng cho người bệnh khi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện lớn khác.
Bài: Thùy Dương/ Ảnh: Thành Dương