Có thai đến tháng thứ 6, thi thoảng chị Hoa thấy xuất huyết cửa mình, tưởng chỉ là triệu chứng dọa sinh non do thường xuyên vận động nên chị không thăm khám mà chỉ hạn chế đi lại. Đến khi phát hiện máu có kèm mủ, thì kết quả chẩn đoán đã xác định, vết ung thư ở cổ tử cung đã lan xuống âm đạo và di căn vào phổi. Sinh con được 3 tháng, chị Hoa qua đời ở tuổi 32.
Điều trị gần 2 tháng tại khoa xạ trị, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, chị Dung, giáo viên dạy văn một trường chuyên tại TP HCM vẫn chưa hết bàng hoàng trước kết quả xét nghiệm ung thư.
"Tôi thực sự sốc khi bác sĩ thông báo tôi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, bởi ngay lúc này đây, tôi chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi, không ăn được. Chỉ tiếc là trước đây tôi ít chịu thăm khám phụ sản định kỳ", chị Dung nói trong nước mắt.
Một trường hợp khác là chị Hồng, 55 tuổi, quê ở Nam Định. Mãn kinh 7 năm, chị thấy mệt mỏi, không ăn uống được và thi thoảng xuất huyết âm đạo. Nghĩ là những biểu hiện của phụ nữ ở tuổi mãn kinh nên chị chủ quan không khám. Tình trạng kéo dài hơn 2 tháng, khi tới Bệnh viện K khám thì tình trạng ung thư cổ tử cung của chị đã vào giai đoạn cuối.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Đại học Y Dược TP HCM, khẳng định, khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu khác lạ chính là đặc điểm nguy hiểm nhất của căn bệnh này.
Tại Việt Nam, ước tính cứ 100 nghìn phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Dung cho biết, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là loại virus có tên Human papillomavirus (viết tắt: HPV). Virus này thường gây nhiễm ở phụ nữ có độ tuổi từ 30 đến 60 đã qua quan hệ tình dục.
Các xét nghiệm gần đây, cho thấy, HPV có mặt trong 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Virus này có 150 chủng khác nhau, trong đó khoảng 40 chủng lây truyền qua đường tình dục và có thể gây nên tổn thương ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung và dương vật... Đặc biệt, chủng 16 và 18 là thủ phạm gây ung thư cổ tử cung.
"HPV dễ bị lây nhiễm hơn cả HIV, bởi ngoài lây truyền qua đường tình dục, virus này nhiễm trực tiếp qua da trong những trường hợp dùng chung quần áo, dụng cụ cắt móng tay... Tại Viêt Nam, mỗi ngày có 17 phụ nữ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung và 9 người chết vì căn bệnh này", bác sĩ Dung cho biết.
Từ các nghiên cứu thực tiễn, các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho rằng, với loại virus này, việc dùng bao cao su tỏ ra không hữu hiệu. Tuy nhiên hiện nay, phương pháp thử nghiệm tế bào cổ tử cung đã có thể giúp phát hiện ung thư ngay từ lúc bệnh mới hình do virus HPV. Chính vì thế, những phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc trong độ tuổi dễ nhiễm bệnh, cần đến các bệnh viện chuyên khoa phụ sản mỗi năm ít nhất 1 lần để thăm khám để sớm khắc chế lây lan.
Theo một số bác sĩ, tính đến thời điểm hiện nay, uống văcxin có chức năng chống nhiễm và tái nhiễm virus HPV vẫn được xem là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Tại Việt Nam, Gardasil và Cervarix là hai loại văcxin có thể khắc chế được đến 99% sự tấn công của HPV gây ung thư cổ tử cung.
Thiên Chương
Ungthu.net.vn