Cá trắm, loài được cho là có mật cá độc nhất.
Dân gian vẫn truyền miệng uống mật cá trắm chữa được bệnh, tăng cường sinh lực, rồi đến không ít những mật cá khác bây giờ cũng đã thành “thuốc bổ”!
Suýt nữa gặp Diêm Vương!
Ngày 15.7, khoảng một tiếng sau khi ăn canh mật cá trắm vào buổi trưa, anh Đ.V.D, 37 tuổi, ở xã Thái Long, TP. Tuyên Quang, chướng bụng, đau quanh rốn rồi đau quằn quại, nôn ra thức ăn lẫn dịch màu vàng nâu, tiêu chảy liên tục, gia đình đưa đến BV Hùng Vương, Phú Thọ. Các BS khoa Hồi sức cấp cứu phải rửa dạ dày, làm xét nghiệm thăm dò chức năng gan, thận. Người nhà nói, trước đây, anh này ăn mật cá trắm thường xuyên như uống thuốc, nhưng lần này thì bị ngộ độc. Hàng năm, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai phải nhận khoảng 10 - 20 ca ngộ độc mật cá trắm, thường là nam giới, không ít ca tử vong do nhập viện quá muộn. Anh P.V.M, ở Thanh Trì, Hà Nội, rầu rĩ vì bỗng nhiên giảm phong độ phòng the. Đến BV Nam khoa được BS khuyên có thể do công việc vất vả, ăn uống không điều độ, nên trước hết điều chỉnh thời gian khoa học và bồi bổ hợp lý, sẽ được cải thiện. Vâng dạ cho qua chuyện vì không tin và anh tính cách tìm “tiên dược” để hồi phục phong độ. Thế rồi, nghe được ăn cá trắm, uống mật sẽ tuyệt vời và trắm càng to càng tốt. Ngày cuối tuần, anh cùng mấy người bạn xách con cá trắm trên 5kg về nhà, anh uống cả chiếc mật hòa với đường. Chưa kịp nhậu đã đau
thượng vị dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, mất nước, mệt lả... Khi đến Trung tâm chống độc Bạch Mai đã vàng da, thiêm thiếp, xét nghiệm thấy men gan tăng gần 200 lần so với bình thường. Sau 2 ngày điều trị tích cực, men gan bắt đầu giảm.
Anh N.Q, ở Thanh Xuân, Hà Nội, cũng suy giảm “bản lĩnh” và theo lời họ hàng uống mật trắm để tráng dương. Thể lực yếu nên mới chừng non một giờ đồng đã đau bụng dữ dội, buồn nôn, gia đình sợ quá đưa vào BV. Anh N.V.L, 29 tuổi, ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, bị loét dạ dày, nghe hàng xóm nói uống mật cá trắm sẽ khỏi, nên khi đánh được con trắm cỏ hơn 3kg ở ao nhà đã nuốt mật. Sau gần 2 giờ, đau bụng, buồn nôn, choáng váng, mệt lả rồi hôn mê sâu.
Nghe lời người quen nói mật cá éc (cá ét - Labeo chrysophekadion, họ cá chép, có ở sông Mekong, sông Chao Phraya (Thái Lan), bán đảo Mã Lai, Sumatra, Java và Kalimantan), trị được bệnh tim, nên ông N.V.B, 46 tuổi, ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp mua hai con cá éc để lấy mật, nhưng ông làm vỡ một cái. Ông cho mật vào nước để uống, khoảng vài giờ sau thấy người mệt lừ đừ, đau bụng rồi không tiểu được, ngày sau lại xuất hiện vàng da, vàng mắt. Hỏi người nhà, BS nghĩ đến ngộ độc mật cá. Triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cho thấy ông đã suy gan, thận cấp nên BV Đồng Tháp lập tức chạy thận nhân tạo, chống độc, truyền dịch tăng thải độc cứu tính mạng. Sau một tuần hồi sức tích cực mới qua nguy kịch. BS nói, rất may một chiếc mật vỡ, nếu không ông uống cùng lúc cả 2 thì chưa chắc đã qua được.
Trước đó, chị T.K.Y, 37 tuổi, cũng ở Đồng Tháp, được BV Triều An, TPHCM cứu sống. BS Ngô Dũng Cường, Trưởng khoa cấp
cứu hồi sức tích cực và chống độc BV Triều An cho biết, bệnh nhân suy gan cấp, tổn thương thận cấp nặng do uống mật cá éc để bồi bổ sức khỏe. Sau 6 ngày uống mật thấy mệt, buồn nôn, tiểu tiện rất ít; vàng da, vàng mắt. Phải mất hai tuần điều trị tích cực, lọc máu 6 lần, chức năng gan, thận mới được cải thiện.
Đã từ lâu, nhân dân các vùng miền phía Bắc truyền miệng nhau mật cá trắm chữa được bệnh đau bụng, đau lưng, hen suyễn, ho kinh niên; người ốm yếu, suy nhược uống mật cá trắm sẽ khỏe, tráng dương cho người khỏe, nay ở phía Nam cũng truyền tai như vậy. Vì thế hàng năm cả nước có hàng chục vụ ngộ độc mật cá trắm. Anh Nguyễn Văn T, 38 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, nhập khoa chống độc Bạch Mai, Hà Nội khi đã suy gan nặng: Vàng da, vàng mắt; bụng chướng to; phù; tiểu ít do suy thận cấp, phải dùng thuốc lợi tiểu liều rất cao nhưng chỉ được 500ml/24h (bình thường khoảng 2.000ml/24h). Khi đã qua nguy kịch, anh kể: Tôi bị đau dạ dày, nghe người quen mách nuốt mật cá trắm sẽ khỏi nên xin mật con trắm khoảng 3kg. Khoảng 2 giờ sau
nuốt thấy đau bụng, nôn nao nên nằm nghỉ, nhưng đau càng dữ hơn, nôn và tiêu chảy. Tuy thế, tôi vẫn nấn ná, hai hôm sau thì mặt sưng phù, mọng nước, bụng chướng to, mệt lả. BV huyện chuyển thẳng lên Hà Nội.
Có không ít người nuốt mật cá trắm nếu nhập viện muộn, không kịp chạy thận, thải độc, truyền dịch sẽ không qua khỏi cơn hiểm nghèo.
Cá càng to mật càng độc
Chị T.T.N, 26 tuổi, ở Bạc Liêu, nghe đồn nuốt 100 cái mật cá trôi tươi khỏi bệnh động kinh. Trong 2 tháng, mẹ cho nuốt ngày 1, 2 hay 3 cái hoặc 2 ngày một cái, tùy theo cá chợ nhiều, ít, lớn, nhỏ. Trước khi nhập viện Chợ Rẫy, TPHCM một tuần, cô đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi rồi đến tiêu chảy ngày 2 lần, phân màu nâu, có nhầy; ói nhiều lần, ói cả máu tươi; đau âm ỉ hạ sườn phải suốt 5 ngày, cơn đau ngày càng nhiều nên phải nhập viện. Ba ngày trước khi nhập viện nước tiểu rất ít, nhập viện thì không có nước tiểu. Xét nghiệm thấy suy thận và gan cấp. Sau chạy thận 2 tuần, may mắn là chức năng gan, thận của cô dần hồi phục...
Bé trai 14 tuổi, ở Bắc Ninh, nhập Trung tâm chống độc Bạch Mai khi men gan cao hơn bình thường gần 200 lần; đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, tiêu chảy. Chiều mùng 3 Tết, nhà mua con trắm nặng gần 4kg về làm món lẩu, mẹ lấy mật hòa với đường cho uống (để chữa bệnh đường ruột theo người làng mách). Ba giờ sau, BV tỉnh chuyển cháu đi BV Bạch Mai trong tình trạng gan hủy hoại nặng, da vàng suộm, mệt lả... Sau 2 ngày điều trị, men gan của cháu bắt đầu giảm và rất may là không bị suy thận, một trường hợp hiếm có khi ngộ độc mật cá.
Các BS ở Trung tâm chống độc Bạch Mai cho biết, hàng năm Trung tâm phải cấp cứu 20, 30 hay 50 ca ngộ độc mật cá và cuối năm thường nhiều hơn vì tát ao, có nhiều cá to... Trong sách của danh y Tuệ Tĩnh, dược điển cổ Trung Hoa và sau này là GS Đỗ Tất Lợi có nói mật cá trắm trị tắc họng (viêm amidan, viêm họng), đau mắt đỏ có màng gây mờ mắt, hóc xương, nhiệt sang (lở loét miệng), lở loét da, đỉa chui vào mũi (bị bôi mật cá, đỉa mất khả năng hút), hen suyễn, co giật, sưng đau âm hộ... nhưng “mỗi lần dùng một ít”, chứ không dạy nuốt cả cái mật bao giờ. Hiện nay các thầy thuốc Đông y nói mật cá không có tác dụng bồi bổ cơ thể, càng không có chuyện tráng dương. Mật trắm, éc nguy hiểm nhất nhưng mật trôi, chép, anh vũ... cũng gây ngộ độc. Bằng chứng đau lòng là anh Lê Đ.T, 35 tuổi, ở xã Xuân Phú, Xuân Lộc, Đồng Nai, cho rằng không được khỏe, tẩm bổ bằng mật trôi. Sau 2 giờ phải vào viện Chợ Rẫy cấp cứu, do suy gan, thận nặng, suy hô hấp và trụy tim mạch, đã tử vong.
Mật cá họ chép (éc, trắm, trôi, mè, diếc...) có trên 90% là chất Cyprinol sulfat, còn lại là các acid mật khác, gây rối loạn tiêu hóa cấp: Đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy; gây tử vong với tỉ lệ cao do suy gan cấp: vàng da, tăng men gan, xuất huyết do hủy hoại tế bào gan; suy thận cấp, cụ thể là hủy hoại ống thận (có chức năng thải và hấp thu nước sau khi lọc máu qua cầu thận, để cân bằng lượng nước trong cơ thể): thiểu niệu (nước tiểu dưới 300ml/24 giờ), vô niệu, dẫn đến rối loạn nước và điện giải, hậu quả là phù phổi cấp, phù não do thừa nước, nhịp tim chậm và co giật toàn thân. Cyprinol rất bền với nhiệt nên đun sôi lâu không biến đổi. Cá càng to mật càng độc, trắm nặng 3kg trở lên mật chắc chắn gây ngộ độc nặng, tử vong sau 2 - 3 ngày nếu không được cấp cứu kịp thời, nhưng nhiều khi trắm chỉ nặng 0,5kg, mật đã gây ngộ độc... Có lẽ từ mật gấu hoang có vài công dụng rất tốt nên cho rằng mật đều tốt và khắp nơi người ta có cả “công nghệ” lấy mật gấu nuôi bằng cơm nguội và rau muống; uống mật vịt, chó, lợn, rắn, bò tót, cóc... và cũng ngộ độc. Anh Dương Xuân N, ở TP. Thái Nguyên, uống hai chén rượu mật lợn rồi miệng nôn trôn tháo; người lả, không đứng được; da vàng ệch... BV Thái Nguyên chuyển thẳng đến Trung tâm chống độc Bạch Mai khi gan, thận đã tổn thương nặng nề.
Đồn thổi tạo ra tâm lý đám đông! Chủ một vựa cá ở TP. Cần Thơ cho biết, ngày nào cũng có người đến hỏi mua mật cá lóc, cá trắm, bảo để ngâm rượu uống hay nuốt tươi chữa bệnh. Nghe họ nói mật cá chữa bệnh cũng “hay” như mật gấu nên ai mua là tôi bán!
Nguồn: https://laodong.vn