Lượng nước dùng để uống thuốc: Phải đủ lớn (khoảng 200-250ml nước) để thuốc trôi nhanh xuống dạ dày mà không bị mắc lại ở thực quản. Tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội. Điều này còn quan trọng hơn đối với các kháng sinh có độ tan thấp. Ví dụ: amoxicilin nếu uống 1 viên có hàm lượng 500mg với 250ml nước thì tác dụng của thuốc sẽ gấp đôi so với uống lượng kháng sinh này với 25ml nước.
Ảnh hưởng của bữa ăn: Đối với các thuốc kháng sinh kém bền vững trong môi trường acid như nhóm beta-lactamin (amoxicilin, ticarcilin), nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin, spiramycin) hoặc các thuốc kháng sinh bị thức ăn làm giảm hấp thu (tetracyclin, lincomycin) nên uống xa các bữa ăn khoảng 1 giờ. Nếu uống các thuốc này trong bữa ăn sẽ làm cho thời gian lưu lại của thuốc ở dạ dày lâu hơn, thuốc sẽ bị dịch vị acid của dạ dày phân huỷ làm cho thuốc kém hoặc mất tác dụng. Tuy nhiên đối với các kháng sinh không bị thức ăn cản trở hấp thu như nhóm fluoroquinolon, doxycylin lại nên uống trong bữa ăn để lợi dụng bữa ăn làm giảm các tác dụng phụ của thuốc (buồn nôn, loét) trên hệ tiêu hoá.
Ảnh hưởng của các thuốc dùng kèm: Các chất có đặc tính bao phủ niêm mạc (smecta, kaolin) hoặc các chất có khả năng hấp phụ (than hoạt) hoặc các ion kim loại hoá trị cao (sắt II, sắt III, can-xi...) có khả năng tạo phức với kháng sinh đều làm giảm sinh khả dụng của thuốc kháng sinh. Vì vậy cần tránh kê đơn trong những phối hợp này. Trong trường hợp bắt buộc phải kê đơn (điều trị viêm loét dạ dày hoặc điều trị tiêu chảy ở trẻ em) nên uống thuốc kháng sinh cách các thuốc điều trị phối hợp ít nhất 2 giờ.
DS. Kim Huyền
Suckhoedoisong.vn