Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Vụ giải cứu nữ bệnh nhân bị khống chế ở Bệnh viện Bạch Mai: Những chuyện bây giờ mới kể

Mấy hôm nay, dư luận Hà Nội đang khá ồn ào bởi vụ việc một đối tượng dùng dao đe dọa, khống chế nữ bệnh nhân xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai. Rất may, nạn nhân đã được lực lượng công an giải thoát an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, trước khi tra tay vào còng, kẻ gây án đã điên cuồng chống cự và đâm trọng thương Thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn - Trưởng CAP Phương Mai (quận Đống Đa)…

Cú điện thoại lúc nửa đêm

Tôi quen Sơn từ lúc anh còn mang hàm Đại úy, Tổ trưởng Tổ CSHS CAP Nam Đồng. Năm 2011, nghe tin anh được vinh danh trong 10 gương mặt thanh niên trẻ tiêu biểu của CATP Hà Nội thì việc gặp nhau để hàn huyên, uống 1 ly cà phê ở quán cóc vỉa hè cũng đã là rất khó. Chẳng phải anh kiêu, cũng không vì tránh né, đơn giản chỉ bởi: “Cái nghiệp lính hình sự nó thế, lúc thì tối mặt để làm án, khi thì lại đi công tác tận miền Trung. Thế nên năm lần bảy lượt hẹn rồi cuối cùng toàn lỡ” - ấy là anh bảo vậy.

Rồi đến lúc giáp mặt, tôi như bị cuốn theo những vụ án mà Sơn đã tham gia hay những đối tượng mà anh đã từng bắt giữ và cảm hóa. Đọng lại trong tôi lúc đó duy nhất một cảm nhận, đây là một trinh sát hình sự máu lửa, yêu nghề, và rất… hay cười. Mà Sơn yêu nghề thật, yêu tới mức Trung tá Trịnh Quốc Tuấn - Trưởng CAP Nam Đồng ngày đó còn phải thốt lên: “Thời gian ở dưới địa bàn còn nhiều hơn ở nhà. Bám vụ việc, đối tượng còn lâu hơn cả chơi với con. May mà thằng Sơn lấy được vợ làm cùng ngành, chứ vớ phải đứa khác thì nó bỏ lâu rồi”. Thế rồi “đùng” một cái, nghe tin anh bị thương trong lúc khống chế đối tượng để giải cứu con tin đêm 26, rạng sáng ngày 27-11. Tôi vào viện thăm thì vẫn ánh mắt ấy, nụ cười ấy, Sơn bảo: “Nhà báo yên tâm, mấy vết xước này ăn nhằm gì. Mai tôi ra viện”.

ảnh 1

Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Đống Đa thăm Thiếu tá Sơn sau ca mổ

Cái vết xước mà Sơn nói rộng 3cm, sâu 8cm và chỉ cách động mạch cổ trong gang tấc. Các bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai mổ cấp cứu cho anh ngay trong đêm ấy bảo nhau, lưỡi dao nhọn hoắt kia chỉ cần chệch đi chút nữa thì có mà… trời cứu. Nhận cú điện thoại từ đội ngũ bảo vệ bệnh viện lúc gần 3h sáng, Sơn tức tốc bật dậy chạy thẳng tới hiện trường. Lúc này, cả bầu không khí hoảng loạn đang bao trùm bệnh viện, tiếng la hét huyên náo, tiếng chân chạy rầm rập.

Giữa khoảnh sân của khoa A9 là đối tượng Phạm Thế Loát một tay ghì chặt cổ bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Ngân, tay kia lăm lăm con dao nhọn quát tháo. “Mắt hắn lúc đó đỏ ngầu, hơi thở đầy mùi rượu và tinh thần có vẻ bị kích động mạnh. Tình hình lúc đó rất phức tạp, nếu mình cứng rắn quá thì đối tượng rất dễ gây ra những hậu quả khó lường cho nạn nhân. Vì thế sau khi xin ý kiến cấp trên, chúng tôi quyết định cứ mềm mỏng để đối tượng dịu xuống và sẽ có phương án khống chế” - Thiếu tá Sơn nhớ lại.

Những phút giây cận kề cửa tử

Mặc dù sự việc đã trôi qua được hơn 1 ngày, nhưng bây giờ nhớ lại sự việc, bà Nguyễn Thị Vinh (60 tuổi, mẹ chồng nạn nhân Nguyễn Thị Hồng Ngân) vẫn run cầm cập. Bà Vinh bảo: “Cái Ngân nhà tôi yếu lắm, căn bệnh Lupus ban đỏ khiến cháu bị giảm tiểu cầu nên cả cơ thể nặng chỉ còn chưa tới 40kg. Tôi đưa con đi nằm viện, tiền nong chẳng có và chẳng mâu thuẫn với ai, vậy mà người ta nỡ kề dao vào cổ nó để cướp. Cướp không được thì quay ra bắt cóc để dễ bề tẩu thoát. Lúc sự việc xảy ra, tôi sợ đến mức chân ríu lại không đi được nữa. Tôi cứ tưởng thế là vĩnh viễn mất con rồi, may mà các chú công an đến kịp”.

Không biết ông trời run rủi thế nào mà hôm ấy chị Ngân được xếp nằm ngay bên cạnh giường chị P.T.U (vợ đối tượng Loát). Chị Ngân vẫn còn nhớ, trước khi bị Loát khống chế thì chính hắn còn giúp chị nằm xuống cạnh vợ mình. Vậy mà đến gần 3h sáng, Loát lại kề dao vào cổ chị để cướp.

“Ban đầu em còn tưởng anh ta đùa, nhưng thái độ quyết liệt của Loát khiến em hiểu ngay ra anh ta sẽ làm thật. Khi em kêu lên và cả buồng bệnh thức dậy, Loát hoảng sợ nên đã gọi vợ rồi khống chế em bắt đi theo. Trước khi bị lôi ra khỏi phòng, em còn van xin được tha vì còn nuôi con nhỏ, nhưng anh ta quắc mắt quát, con tao còn nhỏ hơn con mày” - chị Ngân nói.

Tiếng ồn ào khiến các nhân viên bảo vệ bệnh viện nhanh chóng có mặt. Nhưng trước thái độ hung hãn của đối tượng, không ai dám lại gần. Suốt gần 2 giờ sau đó là cuộc thương lượng giữa công an và đối tượng. Cuối cùng, yêu sách của Loát được đáp ứng, một chiếc xe 4 chỗ được điều tới để đưa đối tượng cùng vợ và con tin về quê tại Ninh Bình. Người nhận nhiệm vụ lái chiếc xe này chính là Thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn.

ảnh 2

Chị Ngân kể lại giây phút bị bắt cóc

Chị Ngân vẫn nhớ như in khoảnh khắc bước lên chiếc xe: “Lúc ấy Loát đuổi người lái xe xuống thì anh Sơn tiến tới và cho biết là đang đi chăm người nhà đang nằm viện. Nếu cần thì anh ấy sẽ nhận lái xe hộ với điều kiện Loát phải thả em ở dọc đường. Khi đi đến chân cầu Thanh Trì, Loát bắt vợ nhoài lên ghế lái khám người anh Sơn xem có vũ khí hay không.

Thấy vậy, anh Sơn để yên cho khám đồng thời bảo Loát nên giữ lời hứa thả em ra thì anh ấy sẽ đưa về tận quê. Mặc dù khám không thấy vũ khí, nhưng anh Sơn vừa dứt lời thì Loát bỗng hét “mày tưởng tao không biết mày là công an à”, rồi hắn nhào lên ghế trước ghì đầu anh ấy đâm rất mạnh. Lúc 2 người vật lộn trong xe em thấy máu vọt ra tung tóe nên sợ đến đờ đẫn. Nghe anh Sơn quát “chạy đi”, thế là em chợt tỉnh và đạp cửa thoát ra ngoài kêu cứu. May sao các anh công an đã có mặt kịp thời…”.

“Cứ nhắn vợ con tôi, bố đi công tác xa ít bữa”

 Sáng hôm ấy, chị Trần Thúy Nga vẫn dậy chuẩn bị bữa sáng cho lũ trẻ như thường lệ. Đến 10h, điện thoại bỗng đổ chuông và 1 cán bộ CAP Phương Mai cho biết sẽ qua đón chị đến đơn vị. Sự nhạy cảm của người vợ khiến chị Nga hiểu ngay đã có chuyện chẳng lành xảy ra với chồng mình. Lúc chị có mặt trong viện thì ca mổ đã xong, Trung tá Nguyễn Hà Trung - Phó trưởng CAP Phương Mai bảo: “Khi Sơn tỉnh dậy sau ca mổ, cậu ấy cứ bắt chúng tôi không được báo về nhà vì sợ gia đình lo lắng. Cùng lắm thì nhắn hộ là cậu ấy đi công tác xa ít bữa sẽ về. Sơn nó nghĩ, vết thương này chắc chỉ dăm hôm sẽ lành, lúc đó cứ coi như đây là một tai nạn nhỏ”.

Còn ông Nguyễn Văn Thuận (bố đẻ chị Ngân) thì ngay sau khi biết chuyện đã tức tốc vào viện. Việc đầu tiên là ông tìm đến phòng điều trị của Thiếu tá Sơn để nói lời cảm ơn, ông Thuận bảo: “Vẫn biết đối mặt với hiểm nguy để truy bắt tội phạm là công việc thường ngày của các anh công an. Nhưng nếu không làm việc với tinh thần kiên quyết, xả thân vì người dân thì có lẽ trong vụ án vừa rồi, con tôi khó lòng được vẹn toàn. Với gia đình tôi, các anh là những anh hùng”.

Nguồn Anninhthudo.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image