Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Vào hè lại lo ngộ độc thực phẩm

Trong những ngày đầu hè, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng ghi nhận 2-3 trường hợp ngộ độc thực phẩm nhập viện điều trị.

Ngộ độc thực phẩm bắt nguồn ngay từ chính những thực phẩm chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày. Nếu không được bảo quản, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh, những loại thực phẩm này rất dễ nhiễm vi sinh vật trong thời tiết nắng nóng, ẩm ướt của mùa hè.

thumb_660_1_thucan3925.jpg

Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn là một trong những “thủ phạm” gây nên nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do cách chế biến, bảo quản kém vệ sinh. Với ưu điểm là giá rẻ, có thể sử dụng được ngay không phải chế biến nên thức ăn đường phố thường xuyên có mặt trên mâm cơm của không ít gia đình.

Tuy nhiên, với thời tiết oi bức, lại không có các thiết bị bảo quản đủ tiêu chuẩn, phần lớn thức ăn đường phố được bày bán tại những nơi mất vệ sinh như cạnh đường bụi bặm, cống rãnh, trong tủ kính hấp hơi nóng ẩm… nên rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Gương mặt mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Thanh Vân, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Đêm 22-4, chị và con gái phải vào Trung tâm Chống độc cấp cứu do bị đau bụng dữ dội, huyết áp tụt, tiêu chảy liên tục.

Trước đó, trong bữa cơm tối, do về muộn nên chị ghé qua chợ cóc gần nhà mua nửa con vịt luộc sẵn về ăn. Vịt để trong tủ kính hấp hơi lại được chủ quầy băm trên chiếc thớt ẩm ướt, nhớt nước. Chị Vân cảm thấy không yên tâm nhưng do đã muộn nên hai mẹ con tính ăn cho qua bữa. Không ngờ, khoảng 1h sáng, chị và con gái 7 tuổi bị đau bụng dữ dội. Chồng chị không ăn tối ở nhà may mắn không bị ngộ độc.

thumb_660_7_ngo3925.jpg

Mùa hè là mùa dễ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm

Mua thuốc uống mà các triệu chứng trên không thấy thuyên giảm, hai mẹ con được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Không riêng trường hợp như mẹ con chị Vân, Trung tâm Chống độc cũng đã từng ghi nhận các trường hợp sử dụng những loại thức ăn đường phố quen thuộc như cà muối xổi, mắm tép chưng thịt, dưa muối… dẫn đến bị ngộ độc.

Có mặt tại Trung tâm Chống độc chiều 23-4, chúng tôi đã được tiếp xúc với nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Có bệnh nhân ôm bụng quằn quại kêu đau đang được các bác sỹ tích cực cấp cứu, có bệnh nhân đã qua được giai đoạn “nguy kịch” nhưng mặt mũi tái xanh, tiều tụy.

Đang chăm chồng phải điều trị ngộ độc thực phẩm, chị Thu Hoài, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội kể: “Tối qua chồng em ăn tiết canh vịt ở nhà một người bạn. Đêm về ôm bụng kêu đau không chịu được. Sờ người thấy lạnh toát, mồ hôi vã ra, khó thở, em biết bị ngộ độc thực phẩm nên đưa vào đây cấp cứu luôn”.

Thông thường, các ca ngộ độc thực phẩm điều trị tại Trung tâm Chống độc có rải rác trong năm. Tuy nhiên, mùa hè là mùa có nhiều bệnh nhân ngộ độc thực phẩm hơn cả. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngộ độc thực phẩm được xác định do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn) hoặc thực phẩm bị nhiễm hóa chất. Cũng có trường hợp bản thân thực phẩm đã có độc. Mùa hè là thời điểm rất dễ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn mửa và ỉa chảy, mất nước, tụt huyết áp…

Để tránh bị ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn mua các loại thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi chế biến thực phẩm cần giữ mọi thứ sạch sẽ như vệ sinh tất cả các dụng cụ, các bề mặt được sử dụng để chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi làm bếp… Giữ riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, sử dụng 2 loại thớt sống-chín.

Đun, nấu kỹ các loại thực phẩm, thực phẩm cần nấu lại thì phải nấu kỹ. Không để các thực phẩm đã nấu ở bên ngoài quá 2 giờ. Bảo quản thực phẩm mới chế biến và các thực phẩm dễ ôi thiu tốt nhất là dưới 5 độ C, giữ cho loại thực phẩm được nấu ăn nóng được nóng liên tục, không bảo quản thực phẩm quá lâu ngay cả bên trong tủ lạnh.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, nên giữ lại thực phẩm nghi ngờ bao gồm cả nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Khi thấy có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm thì cần thông báo cho sơ cở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương để các cơ sở y tế có thể kịp thời chuẩn bị đủ nhân lực đối phó trong trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng loạt, các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn kịp thời ngộ độc thực phẩm tiếp diễn.

Mùa hè là mùa du lịch, đồng thời là “mùa” ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ. Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những ngày này các cháu nhỏ thường được bố mẹ cho ăn nhiều loại thức ăn khác nhau dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Thậm chí, thức ăn lạ có thể gây dị ứng, ngộ độc, nôn ói.

Đặc biệt, tại các điểm vui chơi, du lịch, việc chế biến thức ăn và bảo quản lại không được đảm bảo, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn làm tăng nguy cơ ngộ độc ở trẻ nhỏ. Khi trẻ bị nôn, tiêu chảy, tốc độ mất nước nhanh nên cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm rối loạn điện giải, gây co giật, sốc, thậm chí hôn mê.

Nguồn cand.com.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image