Từ nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học trên thế giới luôn cố gắng tìm hiểu bản chất, hệ quả của sang chấn tâm lý và các phương pháp trợ giúp. Các nghiên cứu về sang chấn tâm lý luôn được đặt trong mối quan hệ giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường.
Trong xã hội hiện nay, nhịp sống của con người gấp gáp hơn, các mối quan hệ giữa mọi người, thậm chí giữa các thành viên trong gia đình trở nên xa cách hơn, con người từ trẻ đến già phải chịu nhiều áp lực hơn. Bên cạnh đó, sự khác biệt giá trị và mâu thuẫn lợi ích giữa các cá nhân, nhóm, tôn giáo, cộng đồng, dân tộc ngày càng trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá. Những điều này góp phần làm gia tăng sang chấn của con người cả về thể chất và tinh thần.
Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù vấn đề sang chấn tâm lý đã được xã hội quan tâm hơn, nhưng các hoạt động trợ giúp tâm lý mới chỉ được triển khai một cách nhỏ lẻ và chưa chuyên nghiệp. Người làm công tác trợ giúp tâm lý chưa được đào tạo bài bản. Cơ sở khoa học và các quy định cụ thể về nội dung, cách thức, quy trình trợ giúp còn thiếu và còn chưa thực sự phù hợp với thực tế. Đặc biệt, hoạt động giám sát hầu như thiếu vắng.
Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Sang chấn tâm lý và hoạt động trợ giúp” nhằm kết nối các nhà khoa học, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong đào tạo và thực hành can thiệp, trị liệu, giám sát tâm lý là cần thiết và có ý nghĩa cấp bách.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 07/11/2016, trường ĐH KHXH và NV phối hợp cùng Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, với sự trợ giúp của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Sang chấn tâm lý và hoạt động trợ giúp” với mục đích tiếp tục trao đổi, thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm trong hoạt động trợ giúp để qua đó hướng đến xây dựng các chương trình nghiên cứu và can thiệp hiệu quả hơn. Hội thảo được tổ chức cả ngày 07 và sáng ngày 08/11/2016.
Ngay trong buổi sáng ngày đầu tiên của hội thảo, sự hiện diện của các đại biểu đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ba Lan, Brazil, Israel, Liban, Thái Lan, Gabon đã cho thấy sự quan tâm cũng như ý nghĩa của chủ đề “Sang chấn tâm lý và hoạt động trợ giúp”.
Buổi hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Đinh Hồng Tuấn – Chánh văn phòng Tâm lý học xã hội Việt Nam; TS. Vũ Huy Hoàng– Cục Quản lý Lạm dụng chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần, Bộ Y tế Sức khoẻ Hoa Kỳ (SAMHSA). Về phía đơn vị chủ trì gồm có ThS. Nguyễn Doãn Phương – Phụ trách Viện Sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS. Nguyễn Văn Kim – Phó Hiệu trưởng – Trường ĐH KHXH và NV; GS.TS. Nguyễn Văn Khánh – Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo – Trường ĐH KHXH và NV. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của PGS.TS. Trương Thị Khánh Hà – Trưởng khoa; GS.TS. Nguyễn Hữu Thục đến từ Khoa Tâm lý học của nhà trường, cùng các nhà khoa học….
Với sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Văn Kim, GS.TS. Nguyễn Hữu Thụ, TS. Đỗ Doãn Phương và GS.TS. Mariola Bidzan, ngày đầu tiên của hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều báo cáo cũng như bài viết đặc sắc đến từ các tác giả trong và ngoài nước.
Viện Sức khỏa Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đồng tổ chức và có quan hệ hợp tác với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn về đào tạo, nghiên cứu và hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập. Đại diện cho Viện, ThS. Nguyễn Doãn Phương đã có những chia sẻ hết sức chân thành đến với toàn thể Hội thảo: “Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác Quốc tế là hoạt động thường niên của Viện Sức khoẻ Tâm thần. Hội thảo là cơ hội để hai ngành khoa học Tâm thần học và Tâm lý học có sự giao thoa và hợp tác với nhau tại Việt Nam…. Theo thống kê của Viện Sức khoẻ Tâm thần, trong 5 năm trở lại đây số lượng bệnh nhân tâm thần phân liệt chỉ chiếm 28% số lượng bệnh nhân nội trú, gần 70% số lượng bệnh nhân còn lại liên quan đến Stress, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, các rối loạn tâm thần hành vi ở trẻ em và vị thành niên, trong đó các rối loạn liên quan đến sang chấn tâm lý chiếm tới 29%. Hội thảo khoa học lần này sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp thu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong nước và quốc tế về hai lĩnh vực Tâm thần học và Tâm lý học. Tại Bệnh viện Bạch Mai hiện nay, Phòng Công tác xã hội đã được thành lập và đã có nhiều hoạt động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Viện Sức khỏe Tâm thần. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bắt tay xây dựng những kế hoạch cụ thể để Phòng Tâm lý lâm sàng của Viện và Phòng Công tác xã hội tổ chức triển khai các hoạt động trợ giúp cho những người bệnh có sang chấn tâm lý đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng điều trị”.
Bài: Anh Thư - Ảnh: Thế Anh