Xuất nhập nước luôn cân bằng động
Hằng ngày mức cân bằng của lượng nước trong cơ thể người lớn khoảng ba lít rưỡi. Nước vào cơ thể do ăn uống và chuyển hóa sinh ra; lượng thu vào này luôn luôn “cân bằng động” (homeostasis) với lượng thải ra qua nước tiểu, hơi thở, mồ hôi và phân. Mùa nắng hơi thở và mồ hôi nhiều thì nước tiểu ít lại và mùa đông thì ngược lại nước chủ yếu thái qua đường tiểu và phân.
Tại sao miền người miền Nam nhiều sỏi thận hơn?
Sự tạo sỏi sẽ dễ dàng hơn khi số lượng tinh thể trong nước tiểu nhiều và lượng nước tiểu để hòa tan lại quá ít không tương xứng.
Vào mùa hè thời tiết khô và nóng bức, con người sẽ thải nước ra ngoài chủ yếu qua dạng mồ hôi và hơi thở, do đó lượng nước thải ra đường tiểu ít đi. Đây là lời giải khoa học vì sao tỉ lệ sỏi niệu ở miền Nam cao hơn miền Bắc. Kết quả này phù hợp với các thăm dò niệu học của cố GS Ngô Gia Hy và cộng sự đã tiến hành. GS Hy lý giải rằng miền Nam khí hậu nóng hơn nên nước thải ra thường ở dạng mồ hôi và hơi thở nhiều hơn hẳn, ở miền Bắc có gió mùa lạnh lẽo nên chủ yếu đi tiểu nhiều nên nguy cơ sỏi thận ít hơn.
Điều này tương tự như bí quyết sản xuất bột sắn (bột lọc). Đó là trong giai đoạn tinh lọc bột, nông dân phải khuấy dung dịch bột sắn và cho lắng gạn nhiều lần. Nếu cho quá nhiều nước vào bột sẽ không lắng đọng được như ý, ngược lại cho quá ít nước lại không đủ để hòa tan. Sỏi hệ niệu cũng sinh ra theo cơ chế tương tự: nhiều nước khó kết sỏi và ngược lại.
Ăn ít khoáng, uống nhiều nước ngừa sỏi thận
Tuy sỏi thận là một bệnh chuyển hóa khá phổ biến ở nước ta về tần suất mắc bệnh lẫn tỉ lệ tái phát, nhưng cũng khá dễ ngăn ngừa và chống tái phát.
Hiện nay, ở nước ta cũng như trên thế giới phác đồ điều trị và ngừa tái phát sỏi thận đều rất đơn giản gồm:
1. Uống thật nhiều nước: Đây là phương cách chính để phòng ngừa sỏi thận. Có thể uống nước lọc, nước sôi để nguội, nước suối, nước giải khát và cả uống bia. Uống nhiều nước đầu vào thì đương nhiên sẽ tăng lượng nước tiểu thải ra. Khi lượng nước tiểu tăng lên, các tinh thể sỏi không thể kết dính thành cục sỏi được. Đặc biệt, khi uống nước chanh, nước cam, nhiều muối citrate sẽ được thải ra trong nước tiểu, ngăn cản sự hình thành sỏi thận.
2. Tránh ăn thực phẩm quá giàu oxalate, purine...: Các nhóm thức ăn có chứa nhiều gốc oxalate, purine hay nhiều đạm sẽ làm dễ hơn quá trình tạo ra sỏi thận như cải bó xôi, củ cải đường, sôcôla, đậu bắp, thịt nội tạng, thịt đỏ... Tránh uống quá nhiều vitamin C (viên canxi C), nước khoáng giàu carbonate...
3. Dùng thêm thuốc hỗ trợ: Chủ yếu là lợi tiểu và thuốc chữa các bệnh có xu hướng dễ gây sỏi thận như bệnh gout, hội chứng chuyển hóa... Kim tiền thảo, mã đề, râu ngô… cũng để tăng lượng nước tiểu lên...
4. Không hạn chế thực phẩm giàu canxi: Trước đây, khi phân tích thành phần hóa học của sỏi thận người ta thấy đa số là sỏi canxi-oxalate. Vì thế có ý kiến cho là phải hạn chế canxi trong thực phẩm để ngừa sỏi. Nhưng khá nhiều công trình khoa học nghiêm túc cho thấy quan niệm sai lầm.
Canxi trong thực phẩm sẽ kết hợp với oxalate tạo thành phức hợp calcioxalate không hòa tan và không thể hấp thu vào máu, nên sẽ được thải theo phân ra ngoài và dĩ nhiên giúp ngừa sỏi thận. Tương tự, khi ăn quá nhiều oxalate mà không đủ lượng canxi tương ứng, oxalate được hấp thu vào máu sẽ thải ra thận cũng gây nguy cơ sỏi thận.
Chú ý: Vitamin C (axit ascorbic) cũng có khả năng chuyển hóa thành gốc oxalate. Nếu chúng ta dùng thực phẩm giàu vitamin C (hơn 1000mg vitamin C/ ngày) nguy cơ chất oxalate trong máu sẽ cao và khả năng sỏi thận cũng lớn hơn.
Nguồn Dantri.com.vn