Ngày 28/10, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Động kinh. Trong buổi sinh hoạt đầu tiên của Câu lạc bộ, các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần đã chia sẻ nội dung về “Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết bệnh động kinh.
Báo cáo tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ThS.BSNT. Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết Động kinh là tình trạng rối loạn hoạt động của não do sự phóng điện đột ngột và quá mức của những nhóm neuron thần kinh gây ra những rối loạn chức năng của thần kinh trung ương biểu hiện trên lâm sàng là những cơn co giật (rối loạn vận động) cảm giác, giác quan, thần kinh thực vật...và có thể phát hiện qua điện não đồ.
BSNT Cao Thị Ánh Tuyết chia sẻ tại buổi sinh hoạt CLB Động kinh
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc bệnh động kinh trên thế giới khoảng 0,5% dân số. Con số này thay đổi tùy theo địa lý, ở Pháp và ở Mỹ là khoảng 0,85%; Canada là 0,6%.Tại Việt Nam khoảng 2% dân số bị bệnh động kinh trong đó gần 60% số bệnh nhân là trẻ em. BSNT. Ánh Tuyết chia sẻ: Nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh có thể do Bẩm sinh; Sang chấn sản khoa; Sốt cao co giật đặc biệt ở tuổi nhũ nhi; Nhiễm trùng thần kinh (viêm não-màng não); U não, chấn thương sọ não hoặc sau phẫu thuật não… Đi sâu vào phân tích nguyên nhân, BSNT. Ánh Tuyết chia sẻ: Về yếu tố bẩm sinh, các nhà nghiên cứu đã thấy có sự liên kết một số loại động kinh với một số gen có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với các điều kiện môi trường gây ra động kinh.
Người bệnh tham gia sinh hoạt CLB nhận quà của chương trình
Nguyên nhân thứ hai: do sang chấn sản khoa và nguyên nhân trước khi sinh, em bé rất nhạy cảm với tổn thương não có thể được gây ra bởi các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mẹ bị nhiễm khuẩn, dinh dưỡng kém hoặc thiếu oxy. Tổn thương não này có thể gây ra chứng động kinh hoặc bại não ở trẻ em. Nguyên nhân thứ ba là do chấn thương sọ não hoặc các bệnh về não gây tổn thương não, như khối u não. Đột quỵ có thể để lại di chứng động kinh ở người trên 35 tuổi. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm như viêm màng não vi khuẩn, và viêm não virus cũng có thể là căn nguyên gây ra bệnh động kinh.
Có nhiều loại động kinh nhưng đáng chú ý có hai dạng cơn động kinh toàn thể thường gặp nhất: đó là Cơn co cứng – co giật toàn thể và cơn vắng ý thức. Cơn co cứng và co giật toàn thể là dạng động kinh phổ biến ở người trưởng thành và có những biểu hiện khá rõ ràng, dễ nhận biết nhất. Giai đoạn tiền triệu: bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, nặng dần, nhức đầu chóng mặt….khoảng 1 đến 2 giây, bệnh nhân không kịp đối phó và nhanh chóng xuất hiện cơn giật điển hình. Giai đoạn giật co cứng: kéo dài 10 giây đến 60 giây, thân bệnh nhân gồng cứng, hai tay co, hai chân duỗi, đầu ưỡn ngửa ra sau, ngoẹo sang một bên, hai hàm rang nghiến chặt, ngừng thở, sắc mặt tím tái, nhãn cầu đảo ngược lên trên, tiểu tiện không tự chủ. Giai đoạn giật: Kéo dài từ 2 đến 3 phút. Các cơ toàn thân giật mạnh và ngắn, có nhịp đều nhau, lúc đầu thưa sau tăng dần và giảm về cuối, hai hàm răng hé mở, lưỡi thập thò, môi mấp máy nên bệnh nhân dễ cắn vào lưỡi , nhãn cầu giật ngược lên trên hoặc đánh sang hai bên. Giai đoạn phục hồi: bệnh nhân tỉnh dần, hoặc rối loạn ý thứckhông hiểu chuyện gì xảy ra với mình, bệnh nhân trong trạng thái hoàng hôn có thể có hoang tưởng,ảo giác, kích động,…gây nguy hiểm cho người xung quan. Sau cơn giật bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và không mô tả được diễn biến cơn giật do bị mất ý thức từ đầu.
Dạng động kinh đáng chú ý thứ hai là Cơn vắng ý thức: Dạng động kinh này thường xảy ra ở trẻ em và hiếm gặp ở người lớn. Biểu hiện đặc trưng nhất của loại động kinh này là mất ý thức trong khoảng 5 – 15 giây. Trẻ có biểu hiện nhìn chằm chằm, đôi khi đảo mắt lên trên hoặc đang cầm đồ bỗng nhiên đánh rơi… Cơn vắng ý thức thoảng qua này khiến trẻ bị động kinh thường khó có thể tập trung học và dẫn đến kết quả học tập sa sút.
Ths.BS. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần Nhi tư vấn cho người bênh
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ đã thu hút sự tham gia của 42 người là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Ths. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết. Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt thường quy để cung cấp các kiến thức y học tâm thần thường thức cho người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng. Trong số tiếp theo vào tháng 12/2020, Câu lạc bộ sẽ hướng dẫn cách sơ cứu, phòng ngừa và điều trị bệnh động kinh”.
Bài: Đỗ Hằng - Ảnh: Thành Dương