Đến ngày 6-6, sau hơn 100 ngày chống chọi tai nạn phỏng tưởng chừng không qua khỏi (85% cơ thể) tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thanh T. (21 tuổi, ngụ Tây Ninh) mới hồi phục.
Tuy nhiên, theo Ths.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, đây chỉ mới là giai đoạn đầu bệnh nhân được cứu sống, quãng đời còn lại của chàng trai trẻ này sẽ là chuỗi ngày dài chịu đựng rất nặng nề. Ngoài bị cắt cụt 2 chân, bệnh nhân còn phải mất khá nhiều thời gian, chi phí để tập vật lý, lắp chân giả, phẫu thuật “giải phóng” sẹo co rút do di chứng bỏng mới mong vận động được cũng như hòa nhập trở lại với cộng đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 2, T. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, bỏng gần như toàn thân với diện tích bỏng 85% độ II, III, IV, (trong đó 60% độ III, IV). T. được điều trị, chăm sóc tích cực, được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, tim mạch, chống nhiễm trùng huyết và trải qua 14 lần phẫu thuật (trong đó 9 lần ghép da)…, đến nay đã tỉnh táo, giao tiếp được, các chỉ số sinh tồn gần như trở lại bình thường ngoài bị di chứng sẹo đầy người. Đây là ca thứ 3 phỏng nặng rất hiếm được cứu sống từ trước đến nay tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân cháy đen lúc vừa nhập viện cách đây hơn 3 tháng
Bác sĩ Hiệp cho hay việc cứu chữa thành công ca bệnh tưởng chừng khó qua khỏi này có thể nói là một công trình tập thể của các y bác sĩ bệnh viện, nhờ sự quyết tâm phối hợp nhanh chóng, kịp thời giữa các liên khoa, chăm sóc điều trị tích cực ngay từ đầu, dinh dưỡng cực tốt chưa kể nhờ sự hỗ trợ chi phí điều trị từ các “mạnh thường quân”. Ngoài ra, một điều khá quan trọng nữa là bệnh nhân được ghép da tự thân và đồng loại.
Ghép da thân là lấy da đầu nhiều lần sau đó ghép những nơi tổn thương là một kỹ thuật hữu hiệu, rất có ý nghĩa để cứu sống những người bị phỏng nặng.
Cũng theo bác sĩ Hiệp, phải mất khoảng 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày xuất viện, đợi da sẹo bệnh nhân lành hẳn rồi mới mong phẫu thuật giải quyết di chứng co rút bỏng hay không.
“Với ưu điểm ghép đồng loại, bệnh viện đang xúc tiến sẽ sử dụng da đồng loại để cứu các trường bỏng nặng trong chương trình hiến tạng mà bệnh viện đang triển khai”- bác sĩ Hiệp nhấn mạnh.
Anh T. sau hơn 100 ngày chống chọi với bệnh tật tưởng chừng khó qua khỏi.
T. bị bỏng cũng trong một tai nạn khá hy hữu. Trong lúc đang hút thuốc lá nhưng mở bình xăng xe máy xem xăng còn hay hết thì bị lửa bùng cháy dữ dội, bao trùm cả xe và người.
Gia cảnh của T. thuộc diện hộ nghèo. Chi phí sau hơn 100 ngày điều trị đã tiêu tốn hơn 200 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả 60 triệu đồng.
Nguồn Nld.com.vn