Tần số tim - yếu tố dự đoán tiên lượng trong bệnh Tim mạch

Ngày đăng: 26/12/2020 15:20

            Tần số tim - yếu tố dự đoán tiên lượng trong bệnh Tim mạch

            Tần số tim có liên quan đến rất nhiều những yếu tố liên lượng về các biến cố tim mạch cũng như các vấn đề về tử vong tim mạch sau này. Do vậy, để tránh những nguy cơ về bệnh tim mạch không những các bác sĩ phải nắm rõ và hiểu một cách sâu sắc về tần số tim mà từng người dân cũng nên tìm hiểu và quan tâm đến vấn đề này.

            Ngày 11/12/2020 Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học đã phối hợp với Viện Tim mạch tổ chức buổi đào tạo “Tần số tim - yếu tố dự đoán tiên lượng trong bệnh Tim mạch” với mục đích cung cấp một số thông tin hữu ích về chủ đề này cho các cán bộ nhân viên y tế cũng như người dân. Buổi đào tạo có sự góp mặt của 02 chuyên gia đến từ Viện Tim mạch: TS.BS. Trần Song Giang (Trưởng Phòng C9 – Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai) và THS. BS. Nguyễn Phương Anh (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai)

(Buổi đào tạo có sự góp mặt của 02 chuyên gia đến từ Viện Tim mạch)

            Như chúng ta đã biết tim là máy bơm để bơm máu đi khắp cơ thể. Con người có thể cảm nhận dược nhịp như 'nhịp đập' trên cổ tay hoặc cổ và nhịp tim sẽ được đo bằng cách đếm số lần tim đập trong một phút. Ví dụ: nếu tim bạn co bóp 72 lần trong một phút, thì nhịp đập của bạn sẽ là 72 nhịp mỗi phút. Đây còn được gọi là tần số tim.

            Tại buổi đào tạo, Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh chia sẻ bình thường mạch đập theo nhịp ổn định và đều đặn tuy nhiên, ở một số người, nhịp điệu này không đồng đều.

(THS. BS. Nguyễn Phương Anh - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai)

         

            Nơi có thể cảm nhận được mạch dễ dàng nhất là ở cổ tay bằng cách ấn nhẹ để cảm nhận mạch dưới các ngón tay. Các bước để tự kiểm tra tần số tim như sau:

  • Bước 1: Tìm mạch ở cổ tay của bạn
  • Bước 2: Đếm từng nhịp với tổng thời gian là 30 giây.
  • Bước 3: Nhân đôi số nhịp bạn đếm được. Đây là tần số tim, được đo bằng nhịp mỗi phút.
  • Đồng thời ghi lại xem tim bạn đập theo nhịp đều hay không đều. Một trái tim bình thường đập theo nhịp ổn định như đồng hồ, tích tắc tích tắc.
  • Một số người sử dụng máy đo nhịp tim để đo, thường bao gồm trong các thiết bị theo dõi thể dục, hiện được bán rộng rãi trong các cửa hàng thể thao và các cửa hàng bán lẻ khác. Tuy nhiên, độ chính xác của chúng phụ thuộc vào chất lượng của thiết bị.

         

            Nhịp tim được coi là bình thường khi bạn không hoạt động, tần số tim trong khoảng từ 60 - 100 nhịp/phút, được gọi là nhịp tim nghỉ ngơi của bạn. Nếu bạn đang hoạt động, tim của bạn đập nhanh hơn để nhận được nhiều oxy hơn cho các cơ hoạt động. Bạn sẽ cần đợi ít nhất 5 phút trước khi bắt mạch. Ví dụ, nhịp tim của bạn khi bạn đang chạy nước rút sẽ nhanh hơn nhiều so với nhịp tim khi đi bộ. Nếu bạn đang tập thể dục cao độ, tần số tim của bạn có thể lên đến 160 nhịp/phút hoặc hơn là điều bình thường.

  • Một số yếu tố khác có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn như caffeine, nicotine, thuốc kích thích…. Tim bạn cũng sẽ đập nhanh hơn khi bạn có cảm xúc mạnh như lo lắng hoặc sợ hãi.
  • Các vận động viên hoặc những người rất khỏe mạnh có thể có tần số tim khi nghỉ ngơi < 60 nhịp / phút

            Và đặc biệt, trong suốt cuộc đời trái tim sẽ đập khoảng từ 2,5 – 3 tỷ lần. Nếu tần số tim lúc nghỉ khoảng 60 nh/ph thì tuổi thọ của chúng ta có thể đạt tới 93 tuổi. Ngược lại nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi khoảng hơn 80 nhịp thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn. Các nghiên cứu lâm sàng cũng chứng thực rằng, những người có nhịp tim lúc nghỉ ngơi nhanh nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch nhiều hơn và tỉ lệ tử vong cũng cao hơn.

 Một số thông tin về tần số tim mà chúng ta cần lưu ý như sau:

  1. Tần số tim tối đa: 

           Là giới hạn nhịp tim cao nhất mà tim có thể đạt được khi vận động gắng sức, thường được tính bằng cách lấy 220 trừ đi tuổi của bạn.

  1. Tần số tim mục tiêu (người khỏe mạnh): 

          Là khoảng nhịp tim an toàn, giúp bạn có chế độ luyện tập hợp lý để tránh biến chứng xảy ra khi vận động hoặc làm việc gắng sức. Chỉ số này được tính bằng 50% đến 85% nhịp tim tối đa. Trong quá trình luyện tập, nếu nhịp tim của bạn tăng trên khoảng này, bạn có thể gặp nguy hiểm.

         

           Nhịp tim nhanh là yếu tố dự báo sự phát triển các bệnh tim mạch về lâu dài. Do vậy, bệnh nhân bị tăng huyết áp, ngay cả khi bạn đã điều trị tốt huyết áp, nhưng nếu có nhịp tim nhanh trên 80 lần/phút, nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch sẽ tăng đến 54% so với người kiểm soát tốt cả nhịp tim và huyết áp. Bệnh nhân tăng huyết áp có nhịp tim nhanh trên 80 lần/phút sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, và suy tim.

          Kết thúc buổi đào tạo Tiến sĩ Trần Song Giang, Trưởng Phòng C9 – Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh việc thực hành thay đổi lối sống là điều kiện tiên quyết để có một trái tim khỏe mạnh. Đặc biệt đối với những bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về tim mạch thì phải luôn ghi nhớ mức tần số tim của mình cũng như áp dụng chế độ ăn khỏe mạnh và duy trì chế độ tập luyện hợp lý.

.

(TS.BS. Trần Song Giang - Trưởng Phòng C9 – Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai)

Bài: Ngọc Lan

Các tin khác