Tham gia chương trình, người bệnh và người nhà người bệnh được BS. Nguyễn Trung Hiếu - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu chia sẻ cách nhận biết và phát hiện sớm bệnh thận mạn và Phòng Công tác xã hội chia sẻ về các hoạt động, mô hình hỗ trợ người bệnh trong Bệnh viện.
Bs. Hiếu cho biết hiện nay khoảng 10% dân số trên thế giới mắc bệnh thận mạn tính và đứng thứ 18 trong các nguyên nhân tử vong nhiều nhất trên thế giới (2010). Bệnh lý thận là có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tổn thương có thể gặp tại cầu thận, ống kẽ thận hoặc mạch máu thận. Trong đó, bệnh lý liên quan đến cầu thận hay gặp nhất, bệnh tiến triển thầm lặng, ít có triệu chứng trên lâm sàng, có nguy cơ tiến triển tới giai đoạn suy thận. Theo Bs. Hiếu bệnh thận mạn được chẩn đoán dựa vào một trong hai tiêu chuẩn sau: Thứ nhất, tổn thương thận kèm hoặc không kèm giảm GFR kéo dài trên 3 tháng, bất thường bệnh học mô thận (sinh thiết thận), dấu chứng tổn thương thận, bất thường nước tiểu kéo dài (tiểu protein, tiểu máu), bất thường sinh hoá máu (ion đồ trong HC ống thận), bất thường hình ảnh học (siêu âm). Thứ hai, giảm GFR < 60ml/ph/1,73 m2 da kéo dài trên 3 tháng kèm hoặc không kèm tổn thương thận.
Cũng theo Bs. Hiếu thì sàng lọc cho đối tượng nguy cơ cao gồm các bệnh nhân mắc tăng huyết áp, đái tháo đường và có bệnh tim mạch nên tầm soát bệnh thận mạn. Ngoài ra, một số triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu, mang tính chủ quan nên dễ bỏ sót gồm: Mệt mỏi, nôn, buồn nôn, phù, đái máu, tăng huyết áp, da xanh, niêm mạc nhợt. Bs. Hiếu cũng khuyến cáo bệnh nhân nên xét nghiệm chức năng thận (ure, creatinin máu), tổng phân tích nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, tiền liệt tuyến…) định kỳ để đánh giá, phát hiện bệnh thận sớm từ đó sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Thận tư vấn và điều trị kịp thời.
Cũng trong khuôn khổ buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, cán bộ Phòng Công tác xã hội đã chia sẻ về CTXH trong Bệnh viện là hoạt động hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân (NNBN) trong quá trình khám, chữa bệnh. Đối với BN ngoại trú: Phòng sắp xếp đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp tiếp đón, hỗ trợ BN và NNBN ngay từ Cổng Bệnh viện và tại Khoa Khám bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu với 03 quầy thông tin hỗ trợ chỉ dẫn, phục vụ xe lăn, ô cầm tay và sách báo phục vụ người dân đến thăm khám. Đối với BN nội trú, Phòng tham gia hội chẩn ca bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn với các chuyên khoa, hỗ trợ tâm lý, kinh phí điều trị cho BN tại các đơn vị, giải quyết các trường hợp BN không có người nhận/ bị bỏ rơi và BN tử vong không có người nhận. Ngoài ra, Phòng còn tổ chức đào tạo các học viên, sinh viên từ các Bệnh viện, Trường Đại học chuyên ngành CTXH. Với xã hội, Phòng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động CTXH cộng đồng tại các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa trên cả nước như tặng quà, thuốc, khám chữa bệnh, tư vấn cũng như tuyên truyền và đạo tạo tuyến dưới.
Cuối chương trình, Phòng Công tác xã hội và Công ty TNHH Yakult Việt Nam đã trao tặng những phần quà hết sức có ý nghĩa cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia. Chương trình đã được sự đón nhận và hưởng ứng rất nhiệt tình của những người tham gia đồng thời Ban tổ chức mong muốn trang bị cách nhận biết và phát hiện sớm bệnh thận mạn cho những bệnh nhân này.
Lê Đạt