Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

“TỐI ƯU HÓA CHĂM SÓC BỆNH NHÂN VIÊM RUỘT MẠN BẰNG KẾT NỐI LIÊN CHUYÊN NGÀNH”

Đó là chủ đề Hội thảo khoa học và đào tạo liên tục diễn ra chiều 12/10 tại Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, BV Bạch Mai. Tham gia hội thảo có nhiều chuyên gia của Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật Tụy -  BV Bạch Mai, BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí  Minh và các học viên là các bác sĩ chuyên ngành Tiêu hóa, Ngoại khoa, Giải phẫu bệnh.

Bệnh viêm ruột mạn (gọi tắt là IBD - Inflammatory bowel dissease ) gồm hai nhóm bệnh chính là viêm loét đại tràng và bệnh viêm ruột từng vùng (Crohn). Theo các chuyên gia, cơ chế bệnh sinh có thể do hệ miễn dịch, yếu tố tác động của môi trường, hệ vi sinh, di truyền .... là kết quả đáp ứng quá mức và kéo dài của hệ miễn dịch tại niêm mạc đường tiêu hóa do một kháng nguyên nào đó trên cơ địa di truyền đặc biệt nhạy cảm. Bệnh thường diễn ra lâu dài thành mạn tính, cần phải được phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống người bệnh.


 

Báo cáo từ ca lâm sàng từ bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng lao kèm theo bệnh Crohn tổn thương và hẹp ống tiêu hóa do ThS.BS Đặng Minh Luân - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đã phân tích sâu về Chiến lược điều trị bệnh Crohn có nhiều yếu tố nguy cơ. Bệnh Crohn thường gây tổn thương bất kỳ đoạn nào trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh, việc điều trị cần cá thể hóa và theo từng giai đoạn của bệnh. Triệu chứng ban đầu là đau bụng, tiêu chảy, đi ngoài ra máu .. nên rất dễ nhầm với các căn bệnh khác, cần phải được chẩn đoán đúng và điều trị trúng bằng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, trong đó thuốc sinh học có nhiều tác dụng tốt, hoặc phẫu thuật và chế độ ăn uống sinh hoạt nghiêm ngặt, và cần theo dõi lâu dài để xử lý từng giai đoạn.

Qua một ca lâm sàng điển hình là một bệnh nhân nam trẻ tuổi, TS.BS Nguyễn Hoài Nam - Trung tâm Tiêu hóa Gan mật đã chia sẻ và phân tích về việc phối hợp đa chuyên ngành trong chẩn đoán và điều trị bệnh IBD có biểu hiện ngoài ống tiêu hóa với những tổn thương nặng trên da, niêm mạc, viêm da mủ hoại tử, viêm da miệng mủ sùi,viêm khớp và bệnh lý vẩy nến....  Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc, chăm sóc tổn thương da tại chỗ và kết hợp uống thuốc sinh học và đã có hiện tượng thuyên giảm các tổn thương. Việc chẩn đoán bệnh IBD (Viêm ruột mạn nói chung) và bệnh Crohn (Bệnh viêm ruột từng vùng) nói riêng rất khó khăn, những biểu hiện bệnh lý ngoài ruột có thể dẫn tới hiện tượng của các bệnh lý khác. Có đến 50% bệnh nhân đến thăm khám ở Trung tâm Tiêu hóa - Gan Mật, Bệnh viện Bạch Mai có biểu hiện ngoài ống tiêu hóa như viêm da mủ, tổn thương khớp, không có nhiều triệu chứng lâm sàng trong ống tiêu hóa. Do vậy, việc thăm khám, chẩn đoán càng sớm thì càng có cơ hội điều trị tốt hơn. Cũng theo TS.BS Nam, quan niệm trước đây trì hoãn phẫu thuật càng lâu càng tốt, nhưng theo những trải nghiệm thực tế cho thấy khi dùng thuốc không phát huy được tác dụng nhiều trong các trường hợp cụ thể thì cần có phương án phẫu thuật để tăng chất lượng sống cho người bệnh. Việc quan tâm đến cá thể hóa trong điều trị, tiếp cận các thuốc sinh học, các thuốc ức chế hệ miễn dịch, có chương trình của bảo hiểm y tế quan tâm vẫn là hướng điều trị cho các bệnh nhân viêm ruột mạn, nhất là với những bệnh nhân không đáp ứng được những điều trị thông thường.


 

TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bạch Mai trình bày báo cáo “Tiếp cận quản lý bệnh viêm ruột mạn từ góc nhìn ngoại khoa và vai trò của hợp tác đa chuyên khoa” cho thấy rõ hơn vai trò phối hợp đa chuyên khoa về mô bệnh học, chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, nội khoa tiêu hóa để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân viêm ruột mạn. Khi có những tổn thương xơ hóa trong ống tiêu hóa, thì có thể tiến hành phẫu thuật. Áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân trong nhiều trường hợp, sau phẫu thuật cần có biện pháp phòng ngừa tái phát.

Kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Gan Mật đã nhấn mạnh: Hội thảo đã theo dõi 3 báo cáo rất hay và có những câu hỏi, thảo luận sôi nổi. Trong bệnh lý IBD, việc chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân rất cần sự phối hợp kết nối liên chuyên ngành: Mô bệnh học - Chẩn đoán hình ảnh - Ngoại, Nội khoa tiêu hóa và có những thảo luận nhóm để lựa chọn phương pháp điều trị, lựa chọn thuốc, phẫu thuật .... Bệnh viêm ruột mạn có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, cần có sự chung tay giữa các nhóm làm việc liên ngành để tìm được phương pháp điều trị tốt nhất cho mỗi cá thể bệnh nhân viêm ruột mạn.

Thùy Dương - Thành Dương

 

             

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image