Vắc xin chế tạo từ tế bào ung thư?
Trong vai một người có người thân bị ung thư, chúng tôi liên hệ tới trung tâm tư vấn điều trị ung thư bằng tế bào gốc từ Nhật Bản. Với căn bệnh ung thư gan, chúng tôi được nhân viên tư vấn về liệu pháp điều trị bằng vắc xin tự thân.
Theo giới thiệu, loại vắc xin tự thân này chính là vắc xin được chế tạo từ tế bào ung thư của người bệnh. Nếu đồng ý điều trị bằng phương pháp này, người bệnh chỉ cần phẫu thuật sau đó giữ lại 1 phần khối u bằng ngón tay rồi gửi sang Nhật Bản để bào chế vắc xin.
Sau khi bào chế xong, loại vắc xin này sẽ được tiêm trực tiếp cho người bệnh qua 3 liệu trình. Phương pháp này được xem là rất tốt cho bệnh nhân ung thư gan và ung thư não.
Chi phí cho một lần điều trị bằng phương pháp này tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh ung thư. Ví dụ như ung thư giai đoạn 1 chi phí điều trị và điều chế vắc xin khoảng 500 triệu đồng chưa kể chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân.
Bảng giá vắc xin
Đến giai đoạn 2 của bệnh chi phí lên 700 triệu đồng, giai đoạn 3 chi phí là 900 triệu đồng, giai đoạn 4 chi phí là 1,5 tỷ đồng. Với mức chi phí này, phương pháp được xem như một cách cứu vãn cho nhiều người bệnh ung thư.
Chỉ là nghiên cứu
Trao đổi với chúng tôi, TS BS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết vắc xin trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu thời gian gần đây. Dù nó hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả nhưng đến nay loại vắc xin này vẫn chỉ trong nghiên cứu.
Theo TS Dũng hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người bằng cách bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài như virút và vi trùng. Các tế bào ung thư đặc biệt hơn, có nguồn gốc từ bên trong cơ thể nên hệ miễn dịch sẽ khó nhận thấy sự khác biệt của các tế bào ung thư so với tế bào bình thường. Hầu hết các loại tế bào ung thư đều có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch, thoát khỏi sự tấn công của các tế bàomiễn dịch, thậm chí có thể ức chế sự tấn công này. Từ đó các tế bào ung thư ngày càng phát triển và có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Với vắc xin trong điều trị ung thư, TS Dũng cho rằng một khi bệnh ung thư đã phát sinh thì vắc xin điều trị khó hơn rất nhiều. Lý do chính là các tế bào ung thư có cách che dấu hay lẩn tránh, thoát khỏi hệ miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu vắc xin điều trị ung thư nhắm vào việc kích thích hệ miễn dịch bằng kháng nguyên ung thư đặc hiệu hay phân tách các tế bào miễn dịch của cơ thể, huấn luyện chúng cách nhận biết các tế bào ung thư rồi đưa trở lại cơ thể. Các tế bào miễn dịch đã được huấn luyện nàysẽ điều hòa, tăng đáp ứng hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư.
Vắc xin chế tạo từ tế bào ung thư? |
Cho đến hiện nay chỉ có duy nhất 1 vắc xin điều trị ung thư dựa trên nguyên tắc huấn luyện các tế bào miễn dịch được cấp phép sử dụng là sipuleucel-T, dùng trong ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng với cắt tinh hoàn.
TS Dũng cho biết từ nghiên cứu tới thực tế còn nhiều nhầm lẫn. Ví dụ thực hiện ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa, di căn, tái phát sau khi đã điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn.
Để một loại vắc xin hoạt động phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu: tiền lâm sàng (xác định thật rõ các đặc tính lý, hóa, sinh học trong phòng thí nghiệm, trên động vật) và trên lâm sàng (nghiên cứu trên con người). Các nghiên cứu lâm sàng được chia làm 3 giai đoạn (gọi là 3 pha): 1. Xác định tính an toàn và độc tính. 2. Xác định đáp ứng(bướu có giảm bớt hay không). 3. Xác định hiệu quả (trị khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống hay cải thiện chất lượng sống).Lưu ý là bướu giảm bớt kích thước không đồng nghĩa khỏi bệnh lâu dài.
Chỉ có những vắc xin vượt qua được cả 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng mới được cấp phép sử dụng và đưa vào các phác đồ hay hướng dẫn điều trị.
Từ đó TS Dũng khuyến cáo người dân thật tỉnh táo dựa trên các chứng cứ khoa học, tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị, giữa đáp ứng và trị khỏi, giữa còn đang nghiên cứu hay đã có kết luận và cấp phép như đã nêu trên.
Nguồn: https://infonet.vn