Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

1 điếu thuốc lá có 7000 chất độc và khoảng 70 chất gây ung thư!

Khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất độc và trong đó có ít nhất 70 chất cực độc có thể gây bệnh ung thư, phổ biến là ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản… Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người hút mà nó còn gây nguy hại đến người xung quanh

1001 tác hại của thuốc lá

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe là điều mà hầu như ai cũng biết và trên vỏ mỗi bao thuốc đều có cảnh báo. Tuy nhiên, những người hút thuốc thường không quan tâm, thậm chí có người chậc lưỡi coi thường “Đâu phải ai hút cũng bị bệnh và có lẽ nó chừa mình ra”.

Và chỉ đến khi chính bản thân họ bị phát hiện mắc bệnh ung thư do thuốc lá, họ mới tá hỏa chạy thầy chạy thuốc, tìm đủ cách cai thuốc lá với hy vọng còn nước còn tát.

Nhưng họ đâu biết rằng, khói thuốc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người hút mà nó còn gây nguy hại đến sức khỏe những người xung quanh. Cách đây không lâu, sự kiện cậu bé Tráng Tráng (5 tuổi người Trung Quốc) mắc ung thư phổi giai đoạn cuối do thường xuyên hít khói thuốc lá đã gây rúng động dư luận.

Vì ung thư phổi chỉ thường gặp ở những người ngoài 50 tuổi nên hiện tượng xảy ra với cậu bé 5 tuổi này khiến các bác sỹ vô cùng khó hiểu. 

Hình ảnh từ phim chụp X-Quang và hình ảnh chụp CCT phần phổi của Tráng Tráng khiến các bác sỹ giật mình, bởi, hai lá phổi của cậu bé giống như phổi của một người hút thuốc lá đã 20 năm. Mà nguyên nhân là do cậu bé sống cùng với ông bà nội, họ là những người nghiện thuốc lá nặng. 

Hơn nữa, không chỉ hít phải khói thuốc tại nhà, bà nội của cậu bé thường đưa cháu đến chơi nhà những người bạn có cùng sở thích hút, đánh bài. Chính thói quen xấu đó của ông bà đã buộc cháu mình phải sống cùng khói thuốc trong suốt 5 năm và cướp đi mạng sống của đứa cháu nhỏ đáng thương. 

Trường hợp khá điển hình này đã phần nào cho thấy nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe nói chung và sức khỏe trẻ nhỏ nói riêng. Theo PGS.TS Phan Thu Phương (Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai):

“Khói thuốc lá chứa khoảng 7000 chất độc và trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư.

Điển hình là các chất: Nitrosamines (một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong thuốc lá), axeton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluen (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… 

Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra bệnh tim mạch, giảm trí nhớ, bệnh hô hấp và các bệnh ung thư. Đối với phụ nữ mang thai, hút thuốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ cũng như thai nhi. Các căn bệnh chính do thuốc lá gây ra như ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc, đục nhân mắt, ung thư thanh quản, ung thư thực quản…”.

Không chỉ nguy hại tới sức khỏe của người hút, bác sỹ Phương còn khuyến cáo tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe của người hút thụ động, tức là những người hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.

Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non ở phụ nữ có thai. Còn đối với trẻ nhỏ, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác, trong đó có ung thư phổi. Ngoài ra, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do người hút thuốc phả ra gây ô nhiễm môi trường.

Bỏ thuốc lá không bao giờ là quá muộn

Hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động đều sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Do đó, việc bỏ thuốc lá sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

Theo PGS Phương, cách điều trị nghiện thuốc lá hiện nay là sử dụng các biện pháp hỗ trợ bao gồm: “Phương pháp can thiệp hành vi (hướng dẫn người cai thuốc lá những kế họach, chiến lược giải quyết những tình huống khó khăn, khó chịu khi cai thuốc lá, tránh những “cạm bẫy” khiến người hút thuốc lá tái nghiện); Phương pháp điều trị bằng thuốc (nicotine thay thế, bupropion, varenicilline giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai thuốc lá trên người nghiện thực thể - dược lý); Phương pháp kết hợp hành vi và bằng thuốc”.

tl2.jpg

Mẹ hút thuốc cũng dễ khiến thai nhi bị ảnh hưởng nặng nề

Và bác sỹ Phương cũng khẳng định, việc tái nghiện không được xem là một thất bại trong cai thuốc lá, ngược lại là một bước cần thiết, là bước đầu tiên đi đến thành công cai thuốc lá. Không có phương pháp nào được gọi là “tuyệt vời” để cai thuốc lá và cũng không có loại thuốc nào có thể biến một người hôm qua còn hút cả gói thuốc lá thành người không hút thuốc chỉ sau 1 ngày.

Do vậy, thành công cai thuốc lá không phải nhờ vào “phép lạ” mà vào “nỗ lực” của bản thân người hút, với điều kiện tiên quyết là quyết tâm cai thuốc lá của chính họ. Tuy nhiên, trong quá trình cai thuốc lá, nếu người hút nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bác sỹ có chuyên môn, người thân, bạn bè… thì việc cai thuốc sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Hiện, nhiều người đặc biệt là giới trẻ rất ưa chuộng việc dùng thuốc lá điện tử và họ cho rằng, thuốc lá điện tử không độc hại mà còn có thể hỗ trợ trong quá trình cai thuốc lá. Tuy nhiên, theo PGS Phương “Điều này là không đúng. Chưa có những nghiên cứu chính xác về thành phần các chất có trong thuốc lá điện tử.

Nhưng thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotin và các chất phụ gia tạo mùi, vị gây nghiện, kích thích hệ thần kinh và làm tăng nhịp tim. Một số nghiên cứu đã tìm thấy một số chất độc hại trong thuốc lá điện tử như formaldehyde, nitrosamine là những chất gây ung thư ở người. Ngoài ra còn phát hiện một số chất độc kim loại như cadmium, nickel và chì”.

Do đó, việc dùng thuốc lá điện tử không hề an toàn hơn so với thuốc lá thông thường. Vậy nên, biện pháp ưu việt nhất để bảo vệ sức khỏe của chính người hút thuốc, người thân của họ và cả cộng đồng là bỏ thuốc lá ngay hôm nay.

Lợi ích khi bỏ thuốc lá

tl3.jpg

Hút thuốc là là đưa mình vào con đường chết

Bệnh nhân có thể cảm nhận ngay được lợi ích từ việc bỏ thuốc lá đó là cơ thể phục hồi rất sớm ngay sau khi bỏ thuốc:

-  Từ 1 - 9 tháng: Các triệu chứng như ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm. Nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường. Giảm tốc độ suy chức năng thông khí đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

-  Từ 1 - 2 năm: Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim giảm 20 - 50%. Giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành.

-  Từ 5 năm: Nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc sau 5 - 15 năm cai thuốc.

-  Từ 10 năm: Nguy cơ bị chết do ung thư phổi giảm một nửa so với người tiếp tục hút; các nguy cơ bị ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tuỵ cũng giảm như vậy. Tốc độ phát triển, di căn của ung thư chậm hơn so với người hút thuốc. Nguy cơ nhồi máu cơ tim trở về như người không hút.

Nguồn Tamsugiadinh.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image