Chia sẻ tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) tháng 11/2018 nhân kỷ niệm ngày thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ (14/11 hàng năm), TS. BS Nguyễn Quang Bảy - Phụ trách Khoa Nội tiết ĐTĐ Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ rõ 10 sai lầm người bệnh ĐTĐ hay mắc phải.
Đối với bệnh nhân ĐTĐ trên thực tế có rất nhiều sai lầm xuất phát từ việc bản thân bệnh nhân không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình, hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị. Rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng bởi một bữa ăn của người ĐTĐ cần phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit… Bên cạnh đó luyện tập thể dục thể thao, tăng cường vấn đề thể lực cũng có ảnh hưởng rất tích cực đến hiệu quả điều trị và kiểm soát đường máu của bệnh nhân.
CLB bệnh nhân ĐTĐ tháng 11/2018 được tổ chức nhân kỷ niệm ngày thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ 14/11
Hiện nay rất nhiều người bệnh ĐTĐ đã và đang điều trị bằng đơn thuốc của người quen hoặc do người thân mách bảo. Tuy nhiên trên thực tế mỗi bệnh nhân sẽ có một mục tiêu điều trị riêng, sự đáp ứng với thuốc cũng trên nền bệnh lý và những bệnh phối hợp khác như: suy gan, suy thận, suy vành .... Do đó chúng ta không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia và tình trạng sử dụng chung đơn thuốc như vậy đôi khi đã để lại cho người bệnh những tác dụng không mong muốn như tình trạng tăng hoặc giảm đường huyết quá mức, thậm chí suy gan, suy thận…
Một sai lầm nữa việc là theo dõi đường máu. Rất nhiều người bệnh nói rằng tôi theo dõi đường máu rất tốt, tuần nào tôi cũng thử đường máu vào buổi sáng khi đói, vậy tại sao tôi vẫn bị biến chứng? Đấy là một sai lầm vì theo dõi đường máu sau ăn là 1 việc làm rất quan trọng trong qúa trình theo dõi bởi đường máu sau ăn quá cao cũng gây ra rất nhiều biến chứng cho người bệnh. Do đó người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn, và không phải chỉ 1 lần trong 1 tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong 1 ngày cho đến khi đường máu ổn định rồi thì sẽ giảm dần số lần thử đường máu.
BS. Bảy nhấn mạnh: Một trong những sai lầm quan trọng nhất người bệnh ĐTĐ hay mắc phải là vấn đề kiểm soát đường máu song song với việc theo dõi mỡ máu cũng như huyết áp. Bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 đa phần là người lớn tuổi, bên cạnh ĐTĐ họ có các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu…nhưng người bệnh chỉ chăm chăm kiểm soát đường máu thôi mà quên đi mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipit máu cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh.
Nhà hảo tâm trao quà cho 3 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Có nhiều bệnh nhân dùng mãi một đơn thuốc, trong khi thực tế con người sẽ dần bị lão hóa, khả năng tiết insulin sẽ giảm dần theo năm tháng. Nhiều bệnh nhân có chỉ định tiêm insulin nhưng thực tế rất ít người mắc ĐTĐ đồng ý tiêm do không hiểu lợi ích của điều trị insulin sớm; Thiếu kiến thức cấp cứu hạ đường huyết, chủ quan tự chữa loét bàn chân ở nhà gây nhiều biến chứng; thậm chí, có người còn bỏ thuốc tây y, thích uống thuốc Đông y vì “lành hơn và rẻ hơn”…. Đây là những sai lầm mà người mắc đái đường thường mắc phải, dẫn tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Trước thực trạng trên, BS. Bảy khuyến cáo: mỗi người bệnh ĐTĐ cần có được 1 bác sĩ chuyên khoa khám, theo dõi và xây dựng cho riêng mình một mục tiêu điều trị, sử dụng 1 đơn riêng để có thể kiểm soát đường máu hiệu quả nhất cũng như các chỉ số có liên quan khác như huyết áp, mỡ máu, tim mạch ...
Người bệnh phải luôn nhớ rằng kiểm soát đường máu phải song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng và chúng ta phải thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để giúp chúng ta biết được rằng chúng ta đang ở mức độ nào để có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân ĐTĐ tháng 11/2018 gắn với ngày Phòng chống Đái đường thế giới, được tổ chức với chủ đề: “Gia đình và người bệnh ĐTĐ”. Những người tham gia đã được thử đường máu mao mạch miễn phí, được phát tài liệu bài giảng, được nghe trực tiếp bác sỹ Khoa Nội tiết trình bày bài giảng, đồng thời được đặt câu hỏi, thảo luận, được tham gia trò chơi đố vui có thưởng về các vấn đề liên quan đến bệnh ĐTĐ.
Điều chỉnh hành vi, lối sống tích cực cũng là một trong những lời khuyên TS.TS. Nguyễn Quang Bảy luôn dành cho người bệnh của mình. Vì vậy, các buổi sinh hoạt CLB đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai luôn được khởi động bằng một chương trình tập yoga cười của bệnh nhân và thầy thuốc với sự tham gia của các cộng tác viên của Phòng Công tác xã hội đến từ CLB Yoga cười Hồ Ba Mẫu. Nhân dịp này, Phòng Công tác xã hội cũng đã kết nối với nhà hảo tâm trao 3 phần quà trị giá 3,6 triệu đồng cho 3 bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai.
Bài: M.Thanh/Ảnh: M. Nhâm