Theo các bác sĩ, thói quen ăn uống mất cân đối là nguyên nhân dẫn đến các bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ. Đặc biệt là có trường hợp trẻ mới 15, 16 tuổi đã bị gan nhiễm mỡ.
Mệt mỏi vì gan nhiễm mỡ
Theo TS Vũ Trường Khánh – Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai, ông gặp nhiều bệnh nhân vào viện khám vì mệt mỏi, chán ăn và khi siêu âm làm xét nghiệm bác sĩ phát hiện máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ. Có những bệnh nhi mới 15 tuổi mà gan đã "vàng óng" do nhiễm mỡ.
Trường hợp điển hình là em Nguyễn Anh T. 15 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội, dù 15 tuổi nhưng T nặng 70 kg, cao 170cm. Mẹ của T. đưa con đi khám vì lý do cháu hay mệt mỏi. T kể với mẹ nhiều lúc đi học đi bộ thôi em cũng thấy mệt cảm giác như có người kéo em lại.
Hình ảnh gan bị nhiễm mỡ
Khi làm xét nghiệm và siêu âm bác sĩ phát hiện máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ. Hỏi chế độ ăn của T thì mẹ em nói từ lúc sinh ra cháu chỉ thích ăn trứng.
Mặc dù học lớp 9 nhưng ngày nào cháu cũng ăn được 5, 6 quả trứng gà luộc hay chiên, ốp la cháu đều thích và rất ít ăn thịt. Dù biết ăn nhiều trứng không tốt nhưng cháu thích và không thấy chán nên gia đình cũng để cho cháu tự do ăn uống.
Mẹ bé kể tháng nào nhà cháu cũng mua vài trăm quả trứng để tủ lạnh nhưng khi nghe bác sĩ tư vấn con nhỏ tuổi đã mỡ máu, gan nhiễm mỡ mẹ của cháu cũng bất ngờ vì cháu chỉ ăn lòng đỏ trứng, không ăn lòng trắng vì nhiều cholesterol.
Không chỉ riêng trẻ nhỏ thích ăn trứng, bác sĩ Khanh kể người già cũng thích vì dễ ăn. Có những cụ ông chỉ ăn trứng mấy năm và khi vào khám thì gan nhiễm mỡ nặng. Ông cụ nói mình chẳng ăn thịt thà, bia rượu thì làm sao gan nhiễm mỡ được. Chỉ nghe bác sĩ giải thích, bệnh nhân mới hiểu được là quá lạm dụng thực phẩm giàu chất đạm, chất béo cũng gia tăng máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh của thời hiện đại, không chỉ xảy ra ở những người uống rượu bia mà còn do quá trình ăn uống vào cơ thể quá nhiều chất béo, đồ chiên rán, thức ăn nhanh.
Cuộc sống quá bận rộn khiến cơ thể lười vận động, chế độ ăn uống thất thường, dẫn tới tình trạng béo phì, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Theo tiến sĩ Khanh, trứng là thực phẩm dễ ăn nên được các bà nội trợ ưu tiên trong mâm cơm hàng ngày với các món đa dạng. Đặc biệt, chúng ta thường chọn trứng để bồi bổ cho những người ốm yếu. Tuy nhiên nếu lạm dụng trứng thì bất cứ ai cũng có thể trở thành bệnh nhân.
Và thói quen nghĩ lòng đỏ trứng gà tốt, nhiều đạm và chỉ ăn lòng đỏ trứng không sẽ nguy hiểm hơn vì lượng cholesterol trong lòng đỏ cao hơn.
Ăn thế nào là đủ?
Theo Ths. BS Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng và béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu (tỷ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa nếu chế biến đúng).
Trứng còn có nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như sắt, vitamin A, kẽm…
Giá trị dinh dưỡng của 1 quả trứng gà ta nặng khoảng 40g (cả vỏ), 1 quả trứng vịt: 70g (cả vỏ).
Nếu bỏ vỏ thì 100g trứng gà tương đương 3 quả, còn 100g trứng vịt tương đương 1,5 quả.
Một quả trứng gà chứa 14,8g protein và trứng vịt là 13g protein, mỗi quả trứng gà chứa 166 kalo và trứng vịt là 180 kalo nhưng cholesterol của trứng gà là 470 mg, trứng vịt là 864 mg.
Tuy nhiên, nếu ăn trứng quá nhiều hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ khuyến cáo trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể cho ăn 1 quả/ngày. Còn lại chỉ nên ăn 3 – 4 quả/tuần, người cao tuổi có thể ăn 2 quả/tuần.
Không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn… Đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella - một yếu tố gây ngộ độc thức ăn.
Ngoài ra, trong lòng trắng trứng sống còn có một chất chống lại biotin (vitamin H), cản trở hấp thu dưỡng chất này.
Theo Tri thức trẻ