Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng New Zealand chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế hai nước, tháng 11 năm 2015.
Hợp tác y tế trong cộng đồng ASEAN ngày càng sâu rộng
Năm 2015 vừa qua, Hội nghị Các quan chức cao cấp ASEAN về phát triển y tế mà Việt Nam đóng vai trò là chủ nhà và chủ tịch hội nghị, có mục đích cụ thể hóa các cam kết của Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN, đưa ra các kế hoạch và lộ trình thực hiện các cam kết này. Đồng thời, hội nghị còn đưa ra các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa các nước ASEAN, thông qua cơ chế làm việc và phương thức quản trị mới trong ASEAN trong thời gian tới nhằm mục đích giải quyết các vấn đề y tế trong khu vực một cách toàn diện và hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu: “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015” (Better Health for ASEAN Community beyond 2015). Vào cuối năm 2015, khi ASEAN bắt đầu thực sự trở thành một cộng đồng kinh tế, sự gắn kết với các quốc gia thành viên sẽ trở nên mật thiết và sâu sắc hơn.
Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN tại Hội nghị Các quan chức cao cấp ASEAN 2015 tại Đà Lạt.
Với vai trò là Chủ tịch đương nhiệm của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong một năm qua đã gấp rút hoàn thành Kế hoạch Tổng thể cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN và Khung Chiến lược của ASEAN về Phát triển y tế giai đoạn 2010-2015 và đặc biệt là đã thảo luận và đưa ra các ưu tiên y tế để cùng hợp tác, tăng cường sức khỏe cho người dân ASEAN giai đoạn 2015-2020.
Việt Nam chính thức được bầu làm thành viên Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế Thế giới
Năm 2015, một tin vui cho ngành y tế và là niềm tự hào cho Việt Nam, đó là việc Việt Nam đã chính thức được bầu làm thành viên của Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế Thế giới (Excecutive Board of the World Health Assembly), cơ quan quan trọng nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với nhiệm kỳ 3 năm từ 2016- 2019. Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế Thế giới là cơ quan đưa ra những đường lối, chính sách y tế toàn cầu để các quốc gia thành viên của WHO trên thế giới triển khai thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người dân và giải quyết những vấn đề y tế toàn cầu. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Từ năm 2016, Việt Nam sẽ đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đưa ra tiếng nói, khuyến nghị của mình và các quốc gia trong khu vực để đưa vào các quyết sách toàn cầu trong lĩnh vực y tế.
Việt Nam tuyên chiến với kháng thuốc theo Kế hoạch toàn cầu phòng, chống kháng thuốc của Đại hội đồng Y tế Thế giới
Bộ Y tế Việt Nam cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và rất nhiều đối tác nước ngoài tại Việt Nam cũng đã cam kết phối hợp đẩy mạnh công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam. Năm 2014 đã tổ chức Hội nghị phổ biến Kế hoạch đến tất cả đơn vị, đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục xây dựng Kế hoạch Quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên là ngăn chặn lây lan vi khuẩn đa kháng thuốc trong bệnh viện và các cơ sở y tế. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia phòng chống kháng thuốc đã được cụ thể hóa bằng các hoạt động của các tiểu ban, các đơn vị, ví dụ: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương triển khai các nghiên cứu song phương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã triển khai chương trình quản lý kháng sinh tại bệnh viện.
Hệ thống quản lý vắc-xin đạt chuẩn quốc tế, Việt Nam có thể xuất khẩu vắc-xin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá và công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là thành tựu đáng tự hào của Bộ Y tế Việt Nam. Theo đó, các vắc-xin sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu. Để đạt được thành tựu này, Việt Nam đã chuẩn bị trong thời gian dài rất kỹ lưỡng (từ năm 2001) và bắt đầu tăng tốc cách đây gần 2 năm. Hơn một năm qua, 30 chuyên gia của WHO đến từ 12 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin để đạt tiêu chuẩn quan trọng này.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới trao Chứng chỉ Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin cho Việt Nam. Ảnh: Trần Minh
Đạt được NRA vẫn là thách thức của nhiều nước phát triển. Ông Lahouari Belgharbi - Trưởng đoàn chuyên gia WHO khẳng định: “Đến thời điểm này, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận NRA đạt theo tiêu chuẩn của WHO, chuẩn mực quốc tế. Với năng lực của Việt Nam về hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin, đội ngũ nhà khoa học cùng với chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp, trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất vắc-xin nhiều nhất trên thế giới”.
Ký kết nhiều văn bản hợp tác trong lĩnh vực y tế
Hàng loạt các Bản ghi nhớ hợp tác y tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế đã được ký kết trong năm 2015 như Bản ghi nhớ tăng cường giám sát dịch bệnh giữa 6 nước hạ nguồn Mê Kông, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Hàn Quốc, Bộ Y tế New Zealand, Bộ Y tế Algeri và rất nhiều các văn bản hợp tác với các đối tác phát triển, các đại sứ quán của các nước tại Việt Nam. Đây chính là cơ sở, nền móng cho những hợp tác y tế trong tương lai giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế. Việc ký kết các văn bản hợp tác này còn khẳng định y tế là một trong những lĩnh vực then chốt góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và quốc tế.
Năm 2015 đánh dấu năm kỷ niệm quan hệ hợp tác với các đối tác
Năm 2015 là năm đặc biệt ý nghĩa đánh dấu 20 quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế giới: Kỷ niệm 20 năm hợp tác y tế Việt Nam - Hoa Kỳ, 20 năm hợp tác y tế Việt Nam - EU. Đây là bằng chứng sinh động chứng tỏ sự phát triển lâu bền và mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế.
Nhìn lại chặng đường 20 năm hợp tác y tế Việt Nam - Hoa Kỳ có thể nói, chính hợp tác y tế đã đi tiên phong, đặt những nhịp cầu đầu tiên cho quan hệ hữu nghị, hợp tác thời kỳ mới giữa Việt Nam - Hoa Kỳ như lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc.
Về những hợp tác với EU, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên với Việt Nam rất to lớn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người dân.
Nguồn suckhoedoisong.vn