Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

70% người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán

Việt Nam có 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, tương đương 6% dân số và dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường. Trong đó, 70% người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán.

Tảng băng chìm của bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Trên toàn thế giới có 415 triệu người lớn (độ tuổi 20-79) tương đương một trong 11 người lớn đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2015.

Đái tháo đường là đại dịch do sự gia tăng về số lượng và chi phí điều trị. Dự kiến, đến năm 2040, đái tháo đường gia tăng 55% với khoảng 642 triệu bệnh nhân so với năm 2015.

Hiện nay, mối lo ngại lớn nhất là gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1%.

Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, gánh nặng đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng nhanh đến năm 2040. Theo đó, một trong bảy người trưởng thành ở Việt Nam mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo thường.

Năm 2015, Việt Nam có 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, tương đương 6% dân số và dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường, tăng 74%.

Cũng theo số liệu mà Cục đưa ra, hiện nay, 5/10 người mắc đái tháo đường không biết mình mắc bệnh (khoảng 1,8 triệu dân). Dưới 1/10 người mắc đái tháo đường không đạt được các mục tiêu điều trị.

Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, Việt Nam đang có tảng băng về đái tháo đường, trong đó, có 31,1% người đái tháo đường (nhóm 18 đến 69 tuổi) được chẩn đoán, trong khi có tới 69,9% người đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Bên cạnh đó, đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế mới chỉ 28,9% trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%.

“Đây thực sự là khoảng trống lớn về sự chênh lệch giữa nhu cầu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe” – ông Khuê cho biết.

Gánh nặng bệnh tật do đái tháo đường

Theo ước tính, số người trưởng thành tử vong toàn cầu liên quan tới đái tháo đường là khoảng 5 triệu người, trong khi con số tử vong do HIV/AIDS chỉ 1,1 triệu người; do lao là 1,4 triệu người và do sốt rét là 438 nghìn người.

Chi phí toàn cầu cho việc điều trị và kiểm soát biến chứng do đái tháo đường dự kiến khoảng 802 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, đái tháo đường có thể được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

Để tăng cường chẩn đoán, điều trị, quản lý đái tháo đường, giảm khoảng trống điều trị bệnh, việc xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuẩn mực cho người hành nghề khám, chữa bệnh là quan trọng. Đặc biệt, nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh.

Hiện nay, tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ cũng vẫn chưa được chú trọng ở nhiều bệnh viện tuyến dưới. Theo PGS. TS Nguyễn Diệu Vân – Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, công tác tầm soát đái tháo đường thai kỳ còn rất thấp. Thậm chí, nhiều sản phụ mang thai còn không có nhận thức gì về căn bệnh này, dẫn tới chủ quan, gặp biến chứng trong quá trình sinh nở.

PGS, TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện lối sống hành mạnh có thể phòng ngừa được 70% đái tháo đường type 2 và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ của đái tháo đường. Đánh giá toàn diện bệnh nhân, tầm soát đái tháo đường trên người không có triệu chứng rất quan trọng, phát hiện sớm triệu chứng đái tháo đường để điều trị.

Ngày 20-9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức buổi lễ công bố hai hướng dẫn chuyên môn mới được cập nhật về đái tháo đường type 2: (1) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 2 được ban hành kèm theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ngày 19-7-2017 của Bộ trưởng Y tế, (2) Quy trình lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 2 được ban hành kèm theo Quyết định số 3798/QĐ-BYT ngày 21-8-2017.

Đồng thời tại buổi công bố Hướng dẫn và Quy trình lâm sàng về đái tháo đường, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng công bố chính thức Trang thông tin điện tử về đái tháo đường: daithaoduong.kcb.vn.

Trang web mới về đái tháo đường sẽ cung cấp các tính năng tương tác và tăng cường mức độ chia xẻ về kiến thức, xây dựng năng lực và kết nối mạng lưới giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, các đối tác, các tổ chức, các nhà lâm sàng, chuyên gia về đái tháo đường, người bệnh và người dân nói chung để cùng nhau nâng cao hiểu biết, trình độ và tính trách nhiệm trong công tác phòng, kiểm soát bệnh tật.

 Theo Nhân dân

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image