Trong 8 tháng đầu năm 2016, VN chi khoảng 1,7 tỷ USD nhập khẩu thuốc và hơn 200 triệu USD nhập nguyên liệu thuốc để bào chế trong nước.
Theo Tổng cục Hải Quan cho biết, tính đến hết ngày 15/9, Việt Nam đã chi hơn 2,06 tỷ USD để nhập khẩu thuốc và nguyên liệu bào chế thuốc, trong đó thuốc nhập nguyên lô, nguyên kiện là 1,81 tỷ USD, chiếm hơn 90,5%.
So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thuốc đã tăng hơn 300 triệu USD, trong đó 60% kim ngạch gia tăng thuộc về thuốc nguyên lô, nguyên hộp.
Thuốc và nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu trong khoảng 6 năm trở lại đây luôn nằm trong danh mục 10 mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và số này luôn gia tăng theo từng năm.
Trong đó, năm 2010, Việt Nam nhập khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc có giá trị 1 tỷ USD, năm 2015 là 2,5 tỷ USD.
Tâm lý người dân khi đi mua thuốc vẫn thích chọn thuốc ngoại hơn thuốc nội.
Như vậy, trong chưa đầy 9 tháng đầu năm số kim ngạch nhập khẩu thuốc đã bằng so với cả năm, trung bình cứ mỗi tháng Việt Nam chi hơn 220 triệu USD nhập thuốc, từ nay đến cuối năm số thuốc nhập về chắc chắn sẽ gia tăng hơn so với con số năm 2015, có thể đạt khoảng 2,7 - 3 tỷ USD trong năm 2016.
Thị trường nhập khẩu chủ yếu của VN là Pháp, Ấn Độ, Đức và Hàn Quốc, kim ngạch nhập khâu thuốc còn cao hơn so với kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 8 tháng qua hơn 400 triệu USD.
Rõ ràng, đây là một trong những mặt hàng nhập khẩu gia tăng nhanh và rất đáng chú ý.
Con số trên thực tế cũng dễ hiểu, bởi vì, trong lĩnh vực dược phẩm, tâm lý người dân VN vẫn chuộng thuốc ngoại hơn thuốc nội lâu nay vẫn tồn tại. Có thể thấy, nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ việc kê đơn thuốc ngoại của một bộ phận bác sĩ và sự đa dạng của thị trường tân dược.
Bên cạnh đó, tâm lý “đắt tiền là của tốt” hay “hàng ngoại mới tốt” của người dân lâu nay cũng khó thay đổi, cộng với sự gợi ý của người bán khiến cho thị trường thuốc nhập ngoại càng lấn át.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến trung ương mới chỉ chiếm khoảng 12% tổng số tiền sử dụng thuốc. Tại tuyến huyện cao nhất cũng chỉ chiếm gần 62%.
Trao đổi với báo chí, tháng 7/2015, ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng ban Dược - Vật tư Y tế (BHXH Việt Nam) cho hay: “Năm qua, Bảo hiểm y tế chi 25 nghìn tỷ đồng tiền thuốc, trong đó thuốc nội chiếm 40%, thuốc ngoại chiếm 60%”.
Trong một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Chất lượng của nhiều loại thuốc nội chưa ngang bằng với thuốc nhập.
Chúng tôi ưu tiên sử dụng thuốc nội nhưng nói gì thì nói lựa chọn sử dụng thuốc nào thì tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất vẫn phải là an toàn, hiệu quả sau đó mới nói đến chuyện giá cả".
Theo ông để vận động người dân sử dụng thuốc trong nước thì điểm mấu chốt là đẩy chất lượng thuốc nội tốt lên.
Ngoài ra, cần tuyên truyền đặc biệt với bác sĩ - người kê đơn, làm sao uống thuốc đấy khỏi bệnh, nhưng hợp túi tiền. Không phải trường hợp nào cũng kê thuốc ngoại mà tùy vào khả năng chi trả của người bệnh. Sau đó, cũng phải tuyên truyền đến người dân.
Hiện nay, có nhiều người dân thấy bác sĩ kê thuốc nội thì năn nỉ bằng được là kê thuốc ngoại, vì không tin tưởng sẽ khỏi bệnh.
Những người dùng thuốc nội hầu hết là người lao động nghèo, tiểu sử ít bệnh tật, không bị nhờn thuốc, chấp nhận giảm chi phí chữa bệnh. Thuốc nội chủ yếu là kháng sinh, nước sát trùng, thuốc bù điện giải.
Nguồn Baodatviet.vn