Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

9 tuổi phải điều trị tâm thần vì được thả nổi học lập trình từ nhỏ

Cháu bé luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, ăn uống không tốt, cảm xúc thất thường, lực học sa sút trầm trọng. Bố mẹ rất bất ngờ khi biết con đã mắc nghiện game, và nguyên nhân đến từ chính sự chủ quan của mình.

Cháu Nguyễn Việt Hưng* (nam, 9 tuổi) được đánh giá là một em bé rất thông minh, học giỏi ngay từ khi còn nhỏ. Để con phát huy tài năng, sức sáng tạo, bố mẹ Hưng mua thiết bị công nghệ như máy tính, ipad cho cháu từ rất sớm. Cháu cũng được đăng ký theo học những lớp về lập trình công nghệ ngay từ khi đang học tiểu học.

Đứa trẻ sau đó có thể sử dụng rất thành thạo các thiết bị công nghệ, thậm chí giúp đỡ mọi người nhiều vấn đề liên quan tới cài đặt máy tính. Tự hào và tin tưởng, bố mẹ giao cho trẻ thoải mái sử dụng đồ công nghệ mà không quản lý về vấn đề thời gian.

Một thời gian sau, gia đình nhận thấy cháu luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, ăn uống không tốt, cảm xúc thất thường. Thông tin từ giáo viên chủ nhiệm cho biết, lực học của cháu sa sút trầm trọng, không theo kịp các bạn trong lớp. Lúc này, gia đình mới “tá hỏa” phát hiện, cậu bé đã mắc nghiện game nên đưa con đi khám.

“Thấy con thức khuya nhiều, tôi còn tưởng cháu say mê lập trình”, bố mẹ cháu bé chia sẻ.

9 tuổi phải điều trị tâm thần vì được thả nổi học lập trình từ nhỏ

Bệnh nhân nghiện game, nghiện internet ngày càng có xu hướng gia tăng

PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Trường ĐH Y Hà Nội; Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho trường hợp này cho biết, Hưng có gần như tất cả dấu hiệu của người nghiện game.

Các biểu hiện bao gồm luôn thèm muốn được chơi game; chơi game liên tục không nghỉ; không kiểm soát được thời gian chơi game; bỏ bê học tập, các mối quan hệ; cảm xúc không ổn định, mất tập trung;…

Trường hợp trên chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh nghiện game được các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận điều trị. PGS Tuấn chia sẻ, các ca tới khám tại Viện là trường hợp liên quan đến nghiện game, nghiện internet ngày càng có xu hướng gia tăng.

Bệnh nghiện game thuộc nhóm cơ chế gây nghiện hành vi, có con đường thần kinh trong não gây ra sự phụ thuộc tương tự các chất gây nghiện thông thường.

Ngoài quá tin tưởng con như trường hợp cháu nhỏ 9 tuổi nói trên, nhiều ca nghiện game là do bố mẹ không có thời gian dành cho con, thường xuyên đưa cho trẻ thiết bị công nghệ để dỗ con “chơi ngoan”; gia đình có người ham mê game nên trẻ được tiếp xúc và hình thành thói quen từ sớm hay các trường hợp do bạn bè rủ rê, thách thức,…

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bệnh nghiện game có thể đến từ vấn đề xung đột tâm lý. Trẻ muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng song bố mẹ áp đặt, giáo dục bằng roi vọt sẽ khiến trẻ bất mãn, cô đơn và tìm đến game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc.

Một số người mang tâm lý tự ti, gặp nhiều thất bại ở cuộc sống thưc tại cũng tìm đến thế giới ảo để khẳng định bản thân mình. Ngoài ra, PGS Tuấn cho biết, không thể phủ nhận chính sự vui vẻ, hấp dẫn, sinh động, thậm chí hoang đường của các trò chơi điện tử đã đánh trúng tâm lý hiếu thắng của người chơi, khiến họ nảy sinh sự “nghiện”.

9 tuổi phải điều trị tâm thần vì được thả nổi học lập trình từ nhỏ

PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn khám cho một bệnh nhân

Nghiện game để lại rất nhiều hậu quả, trong đó có các vấn đề trực tiếp liên quan tới sức khỏe như mệt mỏi, căng thẳng đầu óc, cận thị, bệnh về cột sống, béo phì do lười vận động, phản ứng chậm chạp,…Ngoài ra, bệnh nhân thiếu chú tâm vào công việc, học tập; dễ trở nên lầm lỳ, ít nói, ít giao tiếp, các mối quan hệ bị thu hẹp, có thể trầm cảm.

Một số trường hợp nghiện nặng khiến đầu óc trở nên không thực tế, khi ra đời thực khó chống đỡ với khó khăn, thử thách. Thậm chí, nhiều người trở nên thay đổi tính cách, có hành vi không phù hợp như nói dối, ăn trộm, đánh nhau…

PGS Tuấn phân tích, với trẻ nhỏ, do tâm lý, hành động còn non nớt nên nếu bị cấm đoán hay hạn chế chơi game khi đã nghiện, các em có thể chỉ đơn thuần bày tỏ sự tức giận.

Tuy nhiên với lứa tuổi thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành, khi bị cản trở, một số đối tượng có thể quay ngược lại tấn công người cấm cản hoặc nghĩ ra nhiều cách thức như trộm cắp để có tiền chơi game.

Để điều trị bệnh nghiện game, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ tương thích, có thể điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp giữa thuốc và các liệu pháp tâm lý, cân nhắc giữa việc chọn dừng hay chỉ hạn chế chơi game sau can thiệp cho người bệnh.

Việc hướng dẫn gia đình phối kết hợp trong điều trị cho trẻ là vấn đề đặc biệt quan trọng. Cụ thể, cha mẹ cần cải thiện sự liên kết với con, đặc biệt về vấn đề giao tiếp để hiểu con hơn.

Bên cạnh đó, trẻ nên được tạo môi trường thuận lợi, tránh stress, nên được giúp đỡ để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực. Đặc biệt nhất, phụ huynh cần dành thời gian nhiều hơn cho con và có những thước đo kiểm soát việc trẻ sử dụng thiết bị công nghệ.

Nguồn: https://vietnamnet.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image