Đó là thông tin được PGS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam - chia sẻ trong buổi cung cấp thông tin về phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân đột quỵ.
Với mong muốn chung tay với ngành y tế Việt Nam đưa bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống bình thường, được sự hỗ trợ của Tổ chức Đột quỵ thế giới, Tổng hội y học Việt Nam và Hội phục Hồi chức năng Việt Nam triển khai chương trình phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ.
PGS Xuyên cho biết chương trình này nhằm chuẩn hoá và hệ thống hoá việc phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ thông qua các khoá đào tạo dành cho đối tượng tham gia là các bác sĩ, kỹ thuật viên phuc hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.
Trước tiên, các nhóm bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành phục hồi chức năng của các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam sẽ sang Áo để được đào tạo chuyên sâu về phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ.
PGS Xuyên cho biết, đây là hoạt động song song với việc thành lập các đơn vị đột quỵ tại các bệnh viện. Khi thành lập đơn vị, trung tâm, khoa không phải mua sắm mới mà các trang thiết vị, xét nghiệm vẫn có thể sử dụng chung của bệnh viện nhưng các bệnh viện phải có đội đột quỵ riêng cấp cứu, đưa bệnh nhân đi xét nghiệm, xử lý ngay lập tức.
Để thực hiện việc thành lập đội đột quỵ phản ứng nhanh, PGS Xuyên cho biết đến nay, về nhân lực, đã đào tạo được 9000 bác sĩ về đột quỵ, chủ yếu bác sĩ đã hiểu sâu về thần kinh, cấp cứu, hồi sức tích cực, họ chỉ thêm kiến thức về đột quỵ.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vấn đề phục hồi chức năng là bức thiết vì bệnh đột quỵ tăng nhưng ý thức cộng đồng thấp, nhiều bệnh nhân còn bị giữ lại cạo gió, chữa dân gian.
Vì thế, các điều dưỡng, kỹ thuật viên của trung tâm sẽ hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách phục hồi chức năng cho người bệnh khi họ trở về gia đình. Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sau đột quỵ được phục hồi chức năng trở lại cộng đồng cao hơn những bệnh nhân không được phục hồi chức năng.
Theo Infonet