Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Ai cần xét nghiệm virut cúm A/H1N1/2009?

Với mức độ lây lan nhanh chóng của đại dịch cúm A/H1N1/2009 như hiện nay khiến nhiều người không khỏi lo lắng, đặc biệt là khi họ có các dấu hiệu của bệnh cúm. Để giúp bạn đọc có được những hiểu biết cần thiết khi có những biểu hiện của bệnh cúm, phóng viên (PV) báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.

45cths-nguyen-hong-ha.gif
ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà.

PV: Hiện nay rất nhiều người có dấu hiệu của bệnh cúm đã vội tìm đến các cơ sở y tế yêu cầu xét nghiệm xem mình có mắc cúm A/H1N1/2009 hay không. Vậy xin ông cho biết, với những dấu hiệu bệnh như thế nào thì người bệnh  cần phải  xét nghiệm?

ThS. Nguyễn Hồng Hà: Về mặt lâm sàng, bệnh cúm nói chung có biểu hiện rất giống nhau nên khó phân biệt đâu là cúm mùa thông thường và cúm A/H1N1/2009. Bệnh nhân đều sốt cao đột ngột trên 38 độ C, có nhức đầu, đau mỏi toàn thân và triệu chứng đường hô hấp nổi bật như ho, chảy nước mũi, viêm và đau họng. Có thể xuất hiện khó thở nếu có tổn thương ở phổi nhiều, một số trường hợp có thể xuất hiện tiêu chảy vài ba lần trong ngày.

Song song với đại dịch cúm A/H1N1/2009 hiện nay thì bệnh cúm mùa vẫn diễn ra thường xuyên ở tất cả mọi vùng miền trên thế giới và ai cũng có thể mắc phải nếu chưa có miễn dịch. Chính vì vậy, để phân biệt được cúm mùa hay cúm A/H1N1/2009, cần phải lấy dịch mũi họng làm xét nghiệm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng quá tải cho các cơ sở xét nghiệm hiện nay thì "ai là người cần phải làm xét nghiệm"? Đó là người có biểu hiện cúm với yếu tố dịch tễ là đi đến vùng có dịch, người có tiếp xúc gần với người mắc cúm A/H1N1/2009 đã được khẳng định dương tính hoặc là trong cùng một cộng đồng nhỏ (gia đình, lớp học, cơ quan...) có nhiều người cùng có biểu hiện bệnh giống nhau.

PV: Khi nghi ngờ mắc cúm A/H1N1/2009,  khi nào bệnh nhân có chỉ định phải nhập viện để điều trị hay cách ly tại nhà, thưa ông?

ThS. Nguyễn Hồng Hà: Hiện nay ở nhiều nước dịch đã lan tràn mạnh mẽ ở cộng đồng, ở nước ta bệnh nhân cúm A/H1N1/2009 cũng đã xuất hiện tại một số trường học, cơ quan tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... Khuyến cáo người dân khi có biểu hiện mắc cúm cần đến cơ sở y tế để khám. Tùy từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách ly tại nhà nếu bệnh nhân có triệu chứng nhẹ: có biểu hiện cúm nhưng không quá mệt mỏi, không khó thở, không có bệnh mạn tính kèm theo thì không cần phải nhập viện mà chỉ cần cách ly tại nhà để theo dõi và điều trị triệu chứng (uống paracetamol để hạ sốt khi sốt trên 38 độ C cách 6 giờ/lần, uống nhiều nước, nằm nghỉ ngơi tại giường, ăn thức ăn mềm, đủ dinh dưỡng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác ở cự ly dưới 1m). Sau một tuần bệnh sẽ tự khỏi. Những người có biểu hiện cúm nặng: mệt mỏi, khó thở và có các yếu tố dịch tễ (đi đến vùng có dịch, tiếp xúc gần với người mắc cúm A/H1N1/2009 đã được khẳng định) thì bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện điều trị theo dõi và xét nghiệm để chẩn đoán. Nếu có kết quả dương tính với cúm A/H1N1/2009 thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cách ly và thông báo cho những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân chú ý theo dõi và đến viện khám khi có biểu hiện cúm. Trường hợp âm tính hoặc là cúm mùa thì có thể về điều trị tại nhà.

Các trường hợp bệnh nhân là người cao tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu bệnh vì các bệnh nhân này dễ bị biến chứng nặng nếu không được điều trị đúng. Không chỉ có cúm A/H1N1/2009 gây nguy hiểm cho những bệnh nhân này mà các bệnh cúm mùa cũng dễ làm bệnh nhân tử vong nếu không được chăm sóc tốt. Những người có bệnh cúm thông thường nói chung cũng nên nghỉ ngơi chăm sóc tại nhà cho đến khi khỏi bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng.

xet nghiem cum ah1h1 tai bv nhiet doi hcm.jpg
Xét nghiệm virut cúm A/H1N1/2009 tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

PV: Trong điều kiện nào thì phải thành lập bệnh viện dã chiến, thưa ông?

ThS. Nguyễn Hồng Hà: Mức độ dịch của nước ta hiện nay đã lan ra cộng đồng, tuy nhiên các bệnh viện vẫn đủ sức đảm nhận thu dung và điều trị cho bệnh nhân. Chỉ khi bệnh nhân quá đông, các bệnh viện hiện nay không thể điều trị hết thì mới thành lập bệnh viện dã chiến. Thời gian vừa qua, ngành y tế thực hiện điều trị và cách ly tại chỗ nhiều ca bệnh cùng nhiễm cúm A/H1N1, có thể gọi đây là khu "cách ly và điều trị tập trung". Hoạt động của hình thức điều trị này là kinh nghiệm tốt cho việc thành lập các bệnh viện dã chiến nếu dịch xảy ra dữ dội hơn nữa.

PV: Mặc dù đã được Bộ Y tế khuyến cáo nhưng nhiều người vẫn tự ý đi săn lùng thuốc tamiflu để dự trữ khiến giá thuốc bị đẩy lên gấp mấy lần bình thường.  Là người điều trị trực tiếp các bệnh nhân cúm A/H1N1/2009, ông nói gì với cộng đồng về vấn đề này?

ThS. Nguyễn Hồng Hà: Tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ đối với bất kỳ bệnh lý nào cũng rất nguy hiểm cho người bệnh. Càng nguy hiểm hơn đối với các bệnh do virut, vi khuẩn vì sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc. Đặc biệt sử dụng bừa bãi tamiflu để điều trị cúm A/H1N1 sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Ngành y tế luôn sẵn sàng đủ thuốc điều trị cúm cho bệnh nhân ở các cơ sở điều trị.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Hảo (thực hiện) - www.suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image