Trả lời trực tuyến trên VnExpress sáng nay (3/12) về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: Hiện nay, với tình trạng quá đông người bệnh đến khám ở một số bệnh viện công lập tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, mỗi ngày có thể bác sĩ khám đến 50-70 người bệnh thì thời gian khám cho mỗi người bệnh sẽ không dài.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh
Chính vì vậy, năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có hướng dẫn quy trình khám bệnh ở khoa khám bệnh các bệnh viện và đã đưa ra chỉ tiêu đến năm 2015, mỗi bàn khám chỉ khám tối đa 50 người bệnh/ngày và đến năm 2020, mỗi bàn khám chỉ khám tối đa 35 người bệnh/ngày để bảo đảm thầy thuốc có thời gian hỏi bệnh, thăm khám, chỉ định cận lâm sàng và kê đơn cho người bệnh.
Theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện đã thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ thông qua hàng loạt các giải pháp như tăng số bàn khám, ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí khu khám bệnh liên hoàn, bảng số điện tử, các tiện nghi, giảm thời gian trả kết quả cận lâm sàng…
Đối với Bệnh viện Việt Pháp, áp lực quá tải không có nên thời gian tiếp xúc, thăm khám cho người bệnh cũng dài hơn. Việc giảm thời gian chờ, tăng thời gian thầy thuốc tiếp xúc thăm khám kỹ cho người bệnh là mục tiêu mà Bộ Y tế đang chỉ đạo các bệnh viện thực hiện và sẽ tiếp tục cải tiến trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trọng Khoa khẳng định, việc đặt mục tiêu không để người bệnh chờ đợi lâu khi khám bệnh, cũng đồng nghĩa tăng thời gian khám trực tiếp cho người bệnh. Để thực hiện được vấn đề trên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bệnh viện phải triển khai nhiều giải pháp trong đó có tăng số bàn khám, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh theo hướng thuận tiện hơn cho người bệnh...
Điều này cũng giúp thời gian bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân sẽ tăng lên. Mục tiêu Bộ Y tế đặt ra là đến năm 2020, mỗi bàn khám không khám quá 35 người bệnh, một ngày nhằm tạo điều kiện cho các bác sĩ có nhiều thời gian hơn để thăm khám cho bệnh nhân.
Nghiêm cấm thầy thuốc gợi ý nhận tiền
Trả lời câu hỏi về việc một số bác sĩ, nhân viên bệnh viện vẫn nhận tiền của bệnh nhân, có tiền “lót tay” thì mới có thuốc (cho bệnh nhân bảo hiểm y tế), ông Nguyễn Trọng Khoa khẳng định: Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, ban hành quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế trong đó nghiêm cấm việc có thái độ, gợi ý nhận tiền, quà biếu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý.
“Bộ Y tế cũng đã công khai đường dây nóng theo đầu số 19009095 để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân đối với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến phản ánh cụ thể các trường hợp vi phạm để xử lý kịp thời. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quy định các bệnh viện phải đặt hòm thư góp ý để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân” – ông Khoa nói.
Ai được hưởng lợi khi tăng giá khám chữa bệnh?
Bác sĩ Chuyên khoa II Tôn Thất Hậu, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An khẳng định, hiện nay chất lượng khám chữa bệnh ở Bệnh viện Việt Nam không phải kém. Bên cạnh đó y đức không ngừng được nâng cao. Nhiều tấm gương về y đức cũng được xã hội tôn vinh.
Bác sĩ Chuyên khoa II Tôn Thất Hậu |
Nhiều bệnh viện đã thực hiện những kỹ thuật ngang tầm với khu vực và thế giới (can thiệp tim mạch, các kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn và ghép tạng...). Tuy nhiên, chưa đồng bộ vì có rất nhiều yếu tố để cấu thành chất lượng phục vụ ở các cơ sở khám, chữa bệnh (nguồn lực) trong điều kiện kinh tế, ngân sách dành cho y tế chưa phải cao.
Bên cạnh đó, bệnh tật của người dân Việt Nam đa dạng và phức tạp. Đan xen giữa bệnh của các nước đang phát triển và bệnh của các nước phát triển (bệnh nhiễm khuẩn, bệnh về dinh dưỡng, các bệnh mãn tính, các bệnh chuyển hóa, tim mạch, đái tháo đường...).
Mục tiêu của ngành Y tế đến năm 2018 tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân và tính đúng, đủ dịch vụ y tế thì lúc đó mới đảm bảo chất lượng các dịch vụ y tế. Trong năm 2016, mới bắt đầu tính được 3/7 các chi phí về khám, chữa, bệnh. Nhà nước vẫn phải bao cấp trong chi phí khám, chữa bệnh cho người dân.
Nếu tăng giá khám chữa bệnh thì người dân nghèo là người được hưởng lợi đầu tiên và tối đa. Bởi vì họ có bảo hiểm y tế, không phải chi trả một khoản nào trong quá trình khám, chữa bệnh.
Khi tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh ngành Y tế và các bệnh viện mới có đủ kinh phí để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (đào tạo, mua sắm trang thiết bị hiện đại, các vật tư y tế cần thiết cho việc khám, chữa bệnh).
Bên cạnh đó, khi tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế thông tuyến thì người bệnh có quyền được lựa chọn các cơ sở y tế có chất lượng dịch vụ cao để đăng ký khám, chữa bệnh./.
PV/VOV.VN (tổng hợp)