Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS TS Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Ban Điều hành Đề án cho biết: “Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai được triển khai từ tháng 8/2009, qua gần 4 năm thực hiện, với sự nỗ lực của Bệnh viện Bạch Mai cùng các Bệnh viện vệ tinh, sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế, Đề án đã đạt được những thành tựu quan trọng. Chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện vệ tinh đã từng bước được cải thiện thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ từ Đề án. CLB các BVVT ra đời từ năm 2010 với mục đích tạo một diễn đàn để Ban Giám đốc bệnh viện và các cán bộ quản lý trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý bệnh viện. Từ đó đến nay CLB đã tổ chức 6 lần Hội nghị với các chủ đề thiết thực như: Dinh dưỡng lâm sàng; Tăng cường chất lượng quản lý bệnh viện; Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện; Lựa chọn phát triển các kỹ thuật mũi nhọn chuyên sâu; Tăng cường chất lượng công tác Hồi sức Cấp cứu; Triển khai các hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu…Các buổi sinh hoạt của CLB các BVVT đã được tất cả các bệnh viện vệ tinh hưởng ứng và tham gia tích cực, đóng góp và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu của đơn vị mình. Đó cũng là cơ hội để các bệnh viện vệ tinh gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị gắn bó, giúp đỡ nhau để cùng phát triển.
Hội nghị CLB các BVVT lần thứ VI đề cập đến một chủ đề rất “nóng”, hiện đang là mối quan tâm không những chỉ của người bệnh, của ngành y tế mà là của toàn xã hội, đó là vấn đề “An toàn người bệnh”. Khi vào một cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, người bệnh ủy thác tài sản quý giá nhất của mình là sức khỏe cho các thầy thuốc, đổi lại, người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị một cách an toàn và có chất lượng. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của mọi cơ sở y tế, mọi cán bộ lãnh đạo bệnh viện và cũng là sứ mệnh của mọi thầy thuốc, mọi nhân viên y tế. Tuy nhiên, các cơ sở y tế lại là nơi dễ xảy ra nhiều rủi ro nhất cho người bệnh vì đó là nơi người bệnh được sử dụng các phương pháp để chẩn đoán và điều trị như sử dụng thuốc, hóa chất, vac xin,…tiến hành các phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn,…trong một môi trường rất dễ lây nhiễm. Thêm vào đó, ở các bệnh viện, cơ sở y tế lớn, các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực do công việc quá tải và áp lực về mặt tâm lý, vì vậy, các sự cố không mong muốn là điều rất dễ xảy ra. Khi có sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt, với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng.
Ở Mỹ, hàng năm có khoảng hơn 200.000 trường hợp tử vong có liên quan đến sự cố y khoa không mong muốn. Ở Australia, có khoảng 470.000 người bệnh gặp sự cố y khoa mỗi năm. Ở Anh, trong 6 tháng (từ 10.2012 – 3.2013) có 683.883 sự cố y khoa được ghi nhận – tương đương gần 1.400.000 sự cố/năm. Ở Việt nam, hiện chưa có một nghiên cứu hệ thống nào để có một bức tranh đầy đủ về sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều phải đương đầu với các sự cố ở các mức độ và ảnh hưởng khác nhau. “An toàn người bệnh” là một chương trình có sự khởi đầu nhưng không có sự kết thúc, vì nguy cơ của các sự cố y khoa luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Ngày 12 tháng 7 năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 19/2013/TT-BYT về “Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện” cũng nhấn mạnh nội dung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế bao gồm:
- Xác định chính xác người bệnh, tránh nhầm lẫn khi cung cấp dịch vụ
- An toàn phẫu thuật, thủ thuật
- An toàn trong sử dụng thuốc
- Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
- Phòng ngừa rủi ro, sai sót do trao đổi, truyền đạt thông tin sai lệch giữa NVYT
- Phòng ngừa người bệnh bị ngã
- An toàn trong sử dụng trang thiết bị
Và đặc biệt, các cơ sở y tế phải thiếp lập hệ thống thu thập, báo cáo và quy trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tại các khoa lâm sàng và toàn bệnh viện để xác định nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân có tính hệ thống và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra với người bệnh để có biện pháp, hành động khắc phục, giảm thiểu sai sót và phòng ngừa rủi ro. Hội nghị lần thứ VI này là dịp quan trọng để các tham dự viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực an toàn người bệnh, phòng ngừa các sự cố y khoa nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Cũng có quan điểm tương tự, BS Nguyễn Hữu Hoằng,
Chung sốc với sốc phản vệ như với lũ
PGS – TS Nguyễn Văn Đoàn, GĐ Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai còn đưa ra vấn đề xử trí sốc phản vệ ra sao? Gần đây nhiều trường hợp sốc phản vệ dẫn đến tử vong, gây nhiều bức xúc và nóng nhất cho đến nay vẫn là 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tháng 7 vừa qua. Trên thực tế, tỉ lệ sốc phản vệ ở châu Âu là 4 – 5/100.000 dân, ở Mỹ 59/100.000 dân. VN chưa có thống kê về sốc phản vệ do thuốc vẫn hiện tượng xảy ra thường xuyên, gặp mọi nơi, ở các BV và cơ sở y tế, nhiều trường hợp tử vong. Vì thế, đây là nỗi ám ảnh của cán bộ y tế. Trong khi đó, hướng dẫn xử trí sốc phản vệ đang sử dụng đã lạc hậu và nhiều BV chưa được cập nhật các thông tin mới. Vì thế, TS Đoàn khuyến cáo: Sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở pha 1, ngay sau khi tiêm/uống thuốc mà còn ở pha 2 trong 24h khi bệnh nhân tưởng như đã được cấp cứu thoát khỏi cơn sốc đe dọa tính mang. Bệnh nhân cần được theo dõi tại BV đến 72h sau khi huyết áp, tim mạch, hô hấp ổn định.
Nếu như sốc phản vệ là nỗi kinh hoàng của cán bộ y tế thì vấn đề nhiễm khuẩn BV là kẻ thù nhỏ bé, âm thầm, phá bỏ mọi nỗ lực điều trị của người thầy thuốc. Những khu vực thực hiện các thủ thuật xâm lấn đặt nội khí quản, chạy thận nhân tạo, bệnh truyền nhiễm dễ bị nhiễm khuẩn nhất. Ngay cả những nơi tưởng như kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nhất, vẫn có thể tìm thấy vi khuẩn gây bệnh trong nguồn nước cho phòng mổ. Vì thế, theo BS Trương Anh Thư, Khoa Phó trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai: “Chống nhiễm khuẩn phải làm bài bản từ khâu vệ sinh bàn tay cho đến sử dụng găng, quản lý đồ vải, dụng cụ nội soi... Mỗi lĩnh vực đều cần có những hướng dẫn cụ thể để cán bộ y tế dễ tuân thủ, chỉ ra trách nhiệm rõ ràng để mọi người biết chịu trách nhiệm khâu nào. Quan trọng nhất là khi có quy trình thì phải có phương tiện vật chất thực hiện, kiểm tra, giám sát thường xuyên để biết nhân viên có tuân thủ đúng, vướng mắc không. Đó là cách tiếp nhận và xử lý các phản hồi nhanh hơn là qua những kênh “truyền thống” và mất thời gian như email, báo cáo giao ban, website khoa. Qua những kênh này, nhiều nhân viên sẽ nghĩ đây là thông báo chung, chứ không phải cho riêng mình nên không thay đổi. Thay vì đưa ra lời động viên nên làm thì cần nói rõ đây là bắt buộc, họ mới có ý thức chấn chỉnh. Minh chứng cho điều này, BS Thư đưa ra so sánh kết quả sử dụng găng tay tại các Khoa Gây mê hồi sức, Nhi, Thận tiết niệu BV Bạch Mai đều tăng hơn 30% - 50% sau khi đồng bộ các biện pháp chống nhiễm khuẩn.
Nhưng kết quả này chỉ có thể duy trì lâu dài nếu như giám sát và phản hồi được thực hiện thường xuyên như vậy cũng. Như PGS – TS Nguyễn Quốc Anh nhận định: “An toàn người bệnh có sự khởi đầu nhưng không có kết thúc. Vì nguy cơ của các sự cố y khoa luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Chỉ có nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mới có thể là cách tốt nhất phòng ngừa các sự cố y khoa và đem lại sự an toàn cho chính các thầy thuốc”.
Thu Hằng