Những ngày này, tiết trời của miền Đông Nam Bộ có những cơn mưa rào, công việc bộn bề nhưng nhiều chuyến xe chở đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên y tế vẫn khởi hành từ tờ mờ sáng, mang theo nhiệt huyết được khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo vùng sâu.
Nơi mỗi chuyến xe đi qua đều đọng lại tình cảm lưu luyến và lòng biết ơn sâu nặng của đồng bào nghèo với một bác sĩ tâm huyết, thầm lặng nơi vùng sâu - BS. Trần Duy Thao, Trạm trưởng Trạm Y tế Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Hơn 20 năm gắn bó với Trạm Y tế xã là chừng ấy thời gian BS. Trần Duy Thao (1972) hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân và tuyên truyền để người dân tộc thiểu số (DTTS) bỏ những hủ tục lạc hậu. Những hy sinh thầm lặng của anh được đền đáp bằng niềm tin yêu của người dân nghèo và sự tín nhiệm của lãnh đạo cấp trên.
Cuộc chiến chống hủ tục
Sinh ra và lớn lên từ quê lúa Thái Bình, tốt nghiệp THPT, chàng trai Trần Duy Thao theo người làng vào Bình Phước làm kinh tế. Chưa đầy 2 năm trên vùng Đăk Nhau, BS. Thao tận mắt chứng kiến nhiều người phải ra đi vì bệnh tật và do những hủ tục lạc hậu. Trước hàng chục người phải chết mỗi năm, BS. Trần Duy Thao quyết tâm học làm bác sĩ. Năm 1995, BS. Thao vào công tác tại Trạm Y tế xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và cuộc chiến với hủ tục lạc hậu để bảo vệ sức khỏe nhân dân bắt đầu.
Phần lớn người dân trong vùng là đồng bào Mơ Nông với nhiều tập tục lạc hậu (năm 1995, xã Đăk Nhau chỉ có khoảng 20 hộ người Kinh). Theo quan niệm của phần đông đồng bào bấy giờ, những người mang bệnh là do bị ma nhập hay thần linh phạt nên phải mời thầy cúng về làm phép thì mới hết bệnh. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải tự sinh tại nhà để phù hợp với tập tục truyền thống và không tốn kém. Trong khi quan niệm trừ tà ma để chữa bệnh đang ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào nơi đây thì cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong khu vực Đăk Nhau còn quá thiếu thốn và sơ sài nên chất lượng khám chữa bệnh chưa cao. Theo đó, thầy cúng càng được dịp khuếch trương “tài năng” của mình cũng như hạ thấp vai trò của các y, bác sĩ.
Quyết tâm thay đổi nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, BS. Trần Duy Thao đã cùng đồng nghiệp phối hợp chính quyền xã, ban điều hành thôn ấp, các hội, đoàn thể tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Tăng cường đội ngũ y tế thôn bản để tuyên truyền hiểu biết cho người dân về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để hạn chế tình trạng tai biến sản khoa. Bên cạnh đó, BS. Thao tham mưu nâng cao chất lượng nữ hộ sinh, khám chữa bệnh tại trạm y tế.
BS. Trần Duy Thao khám cho người dân.
BS. Trần Duy Thao cho biết: “Để thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, chúng tôi đã đi bộ hàng chục cây số đến từng nhà dân để tiêm phòng, khử trùng, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh... và trên hết là đã chữa thành công nhiều ca bệnh khó nên đồng bào dần dần tin vào bác sĩ. Để minh chứng cho điều mình vừa nói, BS. Thao lấy cuốn sổ ghi chép bệnh nhân ra cho chúng tôi xem với hàng chục lượt người mỗi ngày”.
Cứu tinh của bệnh nhân sốt rét
Gần 12 giờ trưa, chúng tôi theo chân BS. Trần Duy Thao đến xóm đi rừng ở thôn Thống Nhất, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Vừa thấy BS. Thao, nhóm đàn ông đang ngồi túm tụm trước nhà hỏi “Lại sốt rét hở bác Thao?”. Ở vùng này, BS. Thao được nhiều người nhắc đến như một vị cứu tinh đã giúp họ giành giật lại sinh mạng từ lưỡi hái tử thần. Chia sẻ cuộc đời của mình, BS. Trần Duy Thao tâm sự: “17 tuổi bắt đầu theo mẹ vào bệnh viện trực, hồi đó vào khoa sản thấy đông đúc, ai cũng căng thẳng về tâm lý vì liên quan đến tính mạng con người, nên phải thận trọng. Điều đó lớn lên dần tôi mới thấu hiểu nghề y là một nghề cao quý vì nghề cứu chữa người bệnh, giúp họ qua đi những mảnh đời không may mắn vì bệnh tật để đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc. Sau này tôi ước mơ theo đuổi nghề y, học xong ra trường về công tác tại Trạm Y tế xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng - một huyện có tỷ lệ sốt rét ác tính cao nhất. Nhưng nhờ quyết tâm bằng nghị lực, sáng tạo, BS. Thao đã vượt khe suối theo đuổi cứu chữa bao nhiêu bệnh nhân lên cơn sốt trong tình trạng co giật giữa đêm khuya”.
12 năm sống trên đất Bình Phước thì có hơn 10 lần anh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1974) bị sốt rét hành hạ. Từ một chàng trai cao lớn khỏe mạnh và chỉ quen với lao động nặng, có lần anh Nghĩa suýt mất mạng vì bị sốt rét. Nhờ sự điều trị tận tình của BS. Trần Duy Thao, anh Nghĩa đã giữ được tính mạng và khỏe mạnh. Anh Nghĩa cho biết: “Cách đây 5 năm, sau khi đi rừng Campuchia về, tôi bị sốt rét, đi tiểu ra máu. Những lần trước đến chữa bệnh, BS. Thao dặn giữ số điện thoại khi nào có việc gấp thì gọi. Đêm đó, tôi bị nặng tưởng chừng không qua khỏi, người nhà đã gọi điện cho BS. Thao đến khám và điều trị cho tôi. Ở xóm này ai cũng từng trải qua sốt rét. Nếu không có BS. Thao thì chúng tôi chết hết rồi. Ổng là cứu tinh của bệnh nhân sốt rét đấy”.
BS. Trần Duy Thao cũng là ân nhân của anh Nguyễn Phúc Lộc (27 tuổi) ở thôn Thống Nhất. Chị Phạm Thị Mai (vợ anh Lộc) chia sẻ: “Cuối năm 2014, khi chồng tôi đi rừng về thì bị sốt rét hành hạ, tôi khuyên mãi anh cũng không chịu ra bệnh xa khám. Nhìn thấy chồng vật vã với những cơn đau, tôi gọi BS. Thao vào khám. BS. Thao cho uống thuốc cầm cự và yêu cầu chồng tôi phải nhập viện ngay. Nhờ đó, chồng tôi đã qua khỏi cơn nguy kịch”.
Trạm Y tế xã Đăk Nhau được xây dựng hơn 30 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhân lực y tế đạt về số lượng và chuẩn về chất lượng nhưng cơ sở vật chất xuống cấp cùng với trang thiết bị không đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân... Đó là những trăn trở mà người trưởng trạm y tế đang từng ngày cố gắng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng Trạm Y tế Đăk Nhau là chỗ dựa tin cậy của bệnh nhân vùng sâu.
Trái tim người thầy thuốc
Nhờ tấm lòng tận tình của BS. Trần Duy Thao đã tham mưu, đề xuất với các ban, ngành tăng cường khám sức khỏe cho người dân. Và tấm lòng của các đoàn có những chuyến xe chở y, bác sĩ tình nguyện đến với đồng bào nghèo cập “bến” khá sớm. BS. Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Bình Phước cho biết: “BS. Trần Duy Thao là một bác sĩ có tâm huyết, thầm lặng cống hiến cho đồng bào nơi đây được khám, chữa bệnh miễn phí. BS. thao nói, mình phải chủ động đến sớm, thể hiện sự trân trọng thì mới nhận được tình cảm yêu quý của đồng bào dành cho mình”.
Tuy bị say xe sau hành trình gần 100 cây số, BS. Trần Duy Thao chia sẻ: “Mặc dù mệt nhưng em thấy vui khi đến khám bệnh cho đồng bào nghèo. Ở vùng sâu, xa, cuộc sống của người dân vô cùng thiếu thốn nhưng mỗi lần đoàn đến khám bệnh đều được bà con chào đón ân cần, niềm nở và chân tình. Bao nhiêu năm về công tác tại Trạm Y tế xã Đăk Nhau là chừng ấy thời gian em theo đoàn tình nguyện khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo. Mỗi năm, BS. Thao tham gia khoảng 10 đợt. BS. Thao kể đã gặp nhiều ca bệnh bất thường như cụ ông bị huyết áp cao 220/110 ở xã. Bên cạnh bác sĩ kịp thời xử lý cho bệnh nhân uống thuốc giảm huyết áp ngay tại điểm khám”.
Chia sẻ với chúng tôi, BS. Trần Duy Thao cho biết: Tốt nghiệp Đại học Y Huế, bạn bè khuyên tôi về thành phố làm việc. Nhưng do tình nguyện đi vùng sâu, xa ở Bình Phước, thấy tỉnh còn nhiều đồng bào nghèo, kinh tế khó khăn, cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế nên tôi quyết định lập nghiệp tại Bình Phước. Mình là bác sĩ trẻ nên muốn được cống hiến, có dịp gần gũi với bệnh nhân và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Hơn nữa, khi về khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo khổ, mình cảm thấy tự hào và ý nghĩa hơn.
Từ mỗi chuyến đi tình nguyện về với đồng bào nghèo vùng sâu, BS. Trần Duy Thao luôn nhận được những tình cảm ấm áp, chân thành của đồng bào. Anh chia sẻ: “Ấn tượng nhất là lần tôi tham gia tình nguyện khám chữa bệnh cho đồng bào Xêtiêng ở thôn 2, xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng. Khi tôi đang nghỉ giải lao, một phụ nữ chừng 50 tuổi ấn vào tay tôi một bọc măng rừng và nói “cho bác sĩ”. Lần đó, đoàn chúng tôi còn được đồng bào thết đãi những món rau rừng rất ngon”.
Ông Điểu Ốt (77 tuổi) ở xã Đăk Nhau cho biết: “Nghe nói có BS. Trần Duy Thao về khám bệnh không mất tiền, tôi mừng quá nên nhờ con chở đến từ sớm. Mấy ngày nay, tôi bị tiêu hóa kém và đau lưng không đi lại được. BS. Thao khám rồi tận tình hướng dẫn cách sử dụng thuốc. Mong các thầy thuốc quay lại với người nghèo chúng tôi nhiều lần nữa”.
Mỗi ngày chị Thị Lau (1982) ở ấp 4, xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng đi chăm sóc cao su được 120 ngàn đồng. Nghe có đoàn khám bệnh miễn phí về chị nghỉ 1 ngày để đi khám. Chị Lau chia sẻ: “Những lần trước khám ở bệnh viện bác sĩ kêu nằm lại, mình sợ quá, tốn tiền và không có người chăm sóc cao su nên bỏ về. Nay được khám bệnh cấp thuốc mà không mất tiền, mình mừng lắm! Bác sĩ mà về nhiều thì người nghèo mình đỡ khổ.
Những ngày cuối tuần ai cũng muốn nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình nhưng thầy thuốc trẻ, BS. Trần Duy Thao vẫn hăng hái đến với những vùng đất khó, nơi đó có nhiều bệnh nhân nghèo đang chờ đợi. Họ không nhớ hết mình đã tham gia khám chữa bệnh cho bao nhiêu lượt người, nhưng mỗi lần đến với người nghèo là họ được trải nghiệm về cuộc sống, được nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng khám chữa bệnh. Hành trình tình nguyện của BS. Thao sẽ còn tiếp tục nối dài tới những vùng sâu, xa, vùng đồng bào khó khăn. Chia tay với những con đường ngoằn nghèo, trong lòng nôn nao, mới cảm nhận được đâu đó vẫn có những con người bác sĩ ngày đêm thầm lặng vượt đèo, lội suối và tôi mới cảm nhận bản nhạc cất lên “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi...”.
Nguồn Suckhoedoisong.vn