Bằng sự nỗ lực cấp cứu và áp dụng kỹ thuật ECMO đúng thời điểm, các bác sĩ của BV hữu nghị Việt Đức đã đem lại sự sống cho bệnh nhân từ lằn ranh cái chết cận kề khi bệnh nhân đã bị ngưng tuần hoàn, suy đa tạng rất nặng sau ca tai nạn lao động
Trước đó, bệnh nhân Lưu Văn H. ( nam 42 tuổi ở Cao Bằng) không may bị tai nạn lao động khi anh cùng các đồng nghiệp đang vận chuyển gỗ thì bị khúc gỗ rơi đè vào người.
Ngay lập tức bệnh nhân H. được chuyển đến BVĐK tỉnh Cao Bằng sơ cấp cứu rồi được chuyển ngay đến BV hữu nghị Việt Đức. Bệnh nhân vào BV Việt Đức trong tình trạng sốc chấn thương rất nặng, hôn mê, huyết áp thấp 80/50, mạch nhanh nhỏ 130 lần/phút, bão hòa oxy mao mạch (SpO2) rất thấp 40%. Đồng thời bệnh nhân bị đụng dập phổi 2 bên rất nặng, hút nội khí quản rất nhiều bọt hồng và máu. Song song đó, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn do tình trạng sốc và thiếu oxy máu rất nặng. Theo các bác sĩ BV hữu nghị Việt Đức, mặc dù bệnh nhân đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại phòng cấp cứu, tim đập trở lại nhưng tình trạng thiếu oxy máu của bệnh nhân vẫn không được cải thiện. Ngay sau đó bệnh nhân đã được chuyển đến đơn vị Hồi sức tích cực – Trung tâm gây mê và hồi sức ngoại khoa, BV hữu nghị Việt Đức.
Sau 40 ngày nằm viện, bệnh nhân H đã được ra viện nên anh không dấu được niềm vui bên bác sĩ Phương
TS.BS Vũ Hoàng Phương – đơn vị Hồi sức tích cực 2, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, BV hữu nghị Việt Đức cho biết, khi bệnh nhân được chuyển vào đơn vị Hồi sức tích cực đã ở trong tình trạng sốc chấn thương và có biểu hiện suy đa tạng rất nặng (suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy thận, suy thần kinh và rối loạn đông máu) với thang điểm đánh giá SOFA là 19. Các bác sĩ hồi sức và ê kíp bác sĩ tim mạch đã khẩn trương hội chẩn cho bệnh nhân và quyết định tiến hành sớm biện pháp hỗ trợ hô hấp bằng kĩ thuật phổi nhân tạo ECMO đồng thời cùng với lọc máu liên tục và các biện pháp khác ngay sau khi nhập viện 24h để nhằm bảo vệ tế bào não sau khi ngừng tuần hoàn phòng tránh tình trạng thiếu oxy máu làm cho trở nên trầm trọng hơn cũng như làm giảm hậu quả của tình trạng suy đa tạng gây ra.
“Bệnh nhân đã được hỗ trợ hô hấp bằng kĩ thuật ECMO trong thời gian 9 ngày. Tình trạng suy hô hấp và tổn thương phổi dần dần cải thiện. Các bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân ngừng ECMO và đến ngày thứ 14, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục về thần kinh. Sau 3 tuần, bệnh nhân đã hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn và lúc này chức năng thận mới bắt đầu hồi phục”- TS Phương cho hay.
Đến nay, sau 40 ngày nằm viện, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn các chức năng sống, tỉnh táo, ăn uống đi lại được và xuất viện ào ngày 26/4.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống chiều ngày 27/4, TS Vũ Hoàng Phương nói, sở dĩ các bác sĩ đãquyết định lựa chọn áp dụng phương pháp ECMO để cứu sống bệnh nhân Lưu Văn H. vì 2 lý do: Bệnh nhân đã rơi vào tình trạng suy đa tạng rất nặng, đặc biệt là chức năng hô hấp của bệnh nhân tổn thương gây ra tình trạng thiếu oxy máu nặng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao (> 90 %). “Phương pháp ECMO được chúng tôi quyết định áp dụng đối với bệnh nhân Lưu Văn H. là lựa chọn cuối cùng để hi vọng mang lại sự sống cho bệnh nhân”- TS Phương thông tin thêm.
Bệnh nhân Lưu Văn H. (áo trắng đội mũ xanh) chụp ảnh cùng các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho anh trước khi ra viện
Ngoài ra, đối với bệnh nhân H. do đã xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn nên có thể gây ra tình trạng thiếu oxy tế bào não, nặng hơn có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn không hồi phục nếu không được điều trị bảo vệ tế bào não kịp thời. Do vậy, lựa chọn phương pháp ECMO sớm ở bệnh nhân này để giúp bệnh nhân được bảo vệ tế bào não, hạn chế nguy cơ tổn thương não không hồi phục cũng như các tạng quan trọng khác như tim, gan, thận.
Nguồn Suckhoedoisong.vn