Bé gái 2 tuổi mắc ung thư ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ BV K tìm mọi cách thuyết phục nhưng gia đình vẫn kiên quyết đưa con về chữa thuốc nam.
Lần đầu tiên bác sĩ thất bại khi thuyết phục
Hơn 2 tuần qua, chưa ngày nào TS.BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, BV K ngưng nghĩ về trường hợp bệnh nhi Lê Anh T. (24 tháng tuổi, Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Cảm giác đau lòng, giận dữ, xót xa, không đành lòng buông tay... là những trạng thái hỗn độn chị đang phải trải qua.
BS Hương kể, ở khoa Nhi, thỉnh thoảng vẫn có bố mẹ, ông bà do hạn chế hiểu biết, đã từ chối điều trị cho con, cháu. Tuy nhiên hầu hết chị đều thành công trong việc thuyết phục gia đình cho trẻ điều trị. Các gia đình đã tân tâm tận lực chăm lo cho trẻ đến tận phút cuối cùng.
“Tuy nhiên trường hợp của bé T. là ca đầu tiên tôi thất bại khi thuyết phục trong nhiều năm qua”, BS Hương tuyệt vọng chia sẻ.
TS.BS Phạm Thị Việt Hương
BS Hương cho biết, bé T. được bố mẹ đưa đến khám vào đầu tháng 9 vừa qua. Bác sĩ chẩn đoán, bé mắc u nguyên bào thần kinh giai đoạn 1, khối u kích thước 5,7x9,3cm, xếp nhóm nguy cơ thấp do khối u chưa xâm lấn, chưa di căn vào tủy, xương, tạng, chưa có hạch ổ bụng, chưa có dấu hiệu đe dọa, các xét nghiệm sinh hóa, giải phẫu bệnh và di truyền đều thuận lợi.
BS Hương đã ở lại rất muộn để tư vấn, phân tích, đã đưa phim để gia đình bé T. đến hội chẩn với PGS Trần Ngọc Sơn (BV Xanh Pôn). Theo đó PGS Sơn cho biết, khối u của bé có thể mổ được nhưng nên truyền hóa chất trước để thu nhỏ bớt u giúp bé có cuộc mổ nhẹ nhàng hơn.
Theo BS Hương, trong thực tế, 70% trường hợp mắc u nguyên bào thần kinh có di căn tại thời điểm chẩn đoán. Trường hợp phát hiện sớm như bé T. không nhiều, có thể cắt toàn bộ khối u, nếu không sót tế bào ác tính có thể ra viện để theo dõi.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, những trường hợp u nguyên bào thần kinh giai đoạn 1, nếu cắt toàn bộ u có tỉ lệ sống thêm sau 5 năm rất cao. Báo cáo của Nhóm Ung thư trẻ em (Pediatric Oncology Group) cho thấy tỉ lệ này lên tới 93% và tỉ lệ sống thêm toàn bộ lên tới 98%.
Ngay cả trường hợp còn sót tế bào ác tính, sau cắt u ở giai đoạn 1, bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất sau mổ với đồ nhẹ nhàng gồm 2 thuốc cũng cho tỉ lệ sống thêm không bệnh và sống thêm toàn bộ rất cao, lên tới 90-98%.
BS Hương nhiều lần nhấn mạnh, trường hợp của bé T. tiên lượng rất tốt. Bố mẹ bé sau khi nghe phân tích cặn kẽ nói sẽ quyết tâm điều trị và hoàn toàn tin tưởng y học.
“Thế nhưng sau 1 đêm, mẹ bé nói với tôi rằng ông bà nội bé không muốn cho bé truyền hoá chất. Dù tôi tiếp tục giải thích rõ hoá chất theo phác đồ không gây độc tính gì quá mức chịu đựng, rằng nơi đây còn có những bệnh nhi nhỏ tuổi hơn bé T. vẫn chiến đấu ngoan cường, rằng là mẹ nhưng không có nghĩa được phép tước đoạt quyền của con là quyền được chăm sóc y tế... Vậy nhưng tôi chờ 10 ngày, bố mẹ bé T. vẫn mất hút”, BS Hương kể lại.
Bác sĩ vẫn chờ
Chờ mãi không thấy bố mẹ bé T. phản hồi, BS Hương nóng ruột gọi điện cho bố bé, bố nói để mẹ bé trả lời. Nhưng thật buồn khi mẹ bé trả lời rằng gia đình cho bé đi chữa thuốc nam.
Là bác sĩ nặng lòng với bệnh nhân, buông đâu có dễ, day dứt khôn cùng. Do nhà bé rất gần bệnh viện, tiên lượng tốt, cơ hội sống rất cao, BHYT chi trả toàn bộ, không mất thêm gì... Mọi thứ đều quá thuận lợi nên BS Hương thêm lần nữa gọi điện thoại thuyết phục gia đình bé T. đừng đánh mất cơ hội vàng của con.
Nếu không điều trị bài bản, thời gian ngắn sau u sẽ tiếp tục to lên, 80% sẽ bị di căn lan tràn vào hạch, tủy, xương, gan, chèn ép cột sống khiến bé đau và tê liệt, ngoài ra bệnh nhi có thể mắc hội chứng tan hủy u làm tăng kali, hạ natri, suy thận. Khi đó đổ tiền, đổ công cũng không cứu được.
Trong khi chính gia đình bé cũng chưa trả lời được thuốc nam có chỉ định trong bệnh này không? Thầy lang có được đào tạo về y thuật, cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền không? Nguồn gốc xuất xứ của những cây lá đó từ đâu? Thành phần trong cây lá đó là gì? Họ sẽ đưa thuốc vào đường nào để diệt được khối u gần 10cm? Họ hành nghề có được cấp phép và đánh giá hiệu quả không?...
Các bệnh nhi điều trị ung thư tại BV K.
Trong suốt 2 tuần kế tiếp, BS Hương đã nhờ thêm 3 bà mẹ của 3 bệnh nhi đang điều trị ung thư tại khoa Nhi liên lạc thuyết phục, chia sẻ kinh nghiệm, mong bố mẹ bé T. suy nghĩ lại. BS Hương cũng nhờ đồng nghiệp thuyết phục gia đình thêm. Nhưng tất cả đều vô ích.
“Em tuyệt vọng quá. Nhẵn mặt lên truyền hình để tuyên truyền nhưng giữa thủ đô mà lại không giữ được bé”, BS Hương bất lực thốt lên với đồng nghiệp.
Dù vậy, từng ngày trôi qua, chị vẫn không ngừng hy vọng gia đình bé sẽ sớm quay lại điều trị. BS Hương vẫn để hồ sơ bệnh án lưu lại trong khoa suốt hơn 2 tuần qua, kể từ ngày bố mẹ bé trả lời sẽ không đến điều trị.
Theo BS Hương, việc bố mẹ từ chối điều trị cho con là vi phạm Hiến chương của Tổ chức Y tế thế giới, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Hiến pháp Việt Nam năm 2013... Tất cả đều khẳng định, quyền được chăm sóc sức khoẻ là một trong những quyền cơ bản của con người. Trong trường hợp này, bố mẹ đã tước đoạt quyền được chăm sóc y tế của trẻ.
Có lẽ khác với kinh doanh, chỉ cần giữ chân được khách hàng là bán được món đồ có lãi, bác sĩ thuyết phục bệnh nhân ở lại điều trị, tất cả chỉ vì bệnh nhân!
U nguyên bào thần kinh là bệnh ác tính hay gặp hàng thứ 3 ở trẻ em, chiếm 8-10% ung thư ở trẻ em. Đây cũng là loại ung thư hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ mắc 1/7.000 trẻ. Tuổi trung bình mắc bệnh thường từ 2 đến dưới 5 tuổi, chiếm 89,4%. |
Nguồn: http://vietnamnet.vn