Addison là bệnh do sự phá hủy hoặc rối loạn chức năng của vỏ thượng thận gây ra.
Răng trắng hơn so với bình thường là dấu hiệu của bệnh Addison
Theo Prevention, dưới đây là những dấu hiệu giúp nhận biết căn bệnh có tên lạ này.
Răng trắng hơn
Addison gần như là bệnh duy nhất gây ra triệu chứng này. Khi mắc bệnh Addison, răng có thể trông trắng hơn do da trở nên sẫm màu hơn. Chính những thay đổi về hoóc môn liên quan đến bệnh Addison khiến da sẫm màu hơn giống như bạn vừa đi phơi nắng về.
Dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh
Bên cạnh việc gây sạm da, Addison còn gây ra các triệu chứng khác như: buồn nôn, đau bụng, đau xương, sụt cân, thiếu năng lượng, hay quên và huyết áp thấp. Những triệu chứng này cũng xuất hiện ở những bệnh hay rối loạn khác nên thường bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, đối với phụ nữ trẻ bị bệnh Addison, rụng lông và tóc là một triệu chứng cảnh báo.
Bệnh hiếm
Theo các chuyên gia y tế, đây là căn bệnh hiếm gặp nên thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm.
Thường nhầm với suy thượng thận
Theo lý giải của các bác sĩ, trong khi các vấn đề về tuyến giáp hoặc các rối loạn liên quan đến mất cân bằng hoóc môn có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến thượng thận, thì bệnh Addison là rối loạn tự miễn - trong đó cơ thể tấn công và phá hủy tuyến thượng thận.
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh
Bệnh Addison có thể tấn công mọi độ tuổi, giới tính. Trong khi một số bằng chứng cho thấy gien có thể là một yếu tố ảnh hưởng (một người có nguy cơ cao hơn nếu có người trong gia đình bị bệnh này hoặc bị rối loạn nội tiết).
Sàng lọc bệnh Addison đơn giản
Xét nghiệm máu là một trong những cách dễ dàng để kiểm tra nồng độ cortisol và hoóc môn khác gọi là ACTH. Thông thường kết quả sàng lọc đó rất rõ ràng. Nếu không, một số xét nghiệm theo dõi khác cũng có thể giúp xác định nếu bệnh nhân mắc bệnh này.
Triệu chứng điển hình khác
Bệnh nhân thường xuyên ở tình trạng suy yếu, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn sinh dục, có khi đau bụng, thèm ăn muối. Cơ thể bị mất nước mạn tính, suy mòn, huyết áp thấp, hạ đường huyết, nhiễm sắc tố ngày càng tăng, chủ yếu ở các vùng sinh dục, rốn nách, núm vú, các khớp khuỷu, niêm mạc miệng, hoặc nơi có sẹo, thường có màu nâu hơi xanh, hoặc sạm đen. Nhiễm sắc tố nặng có thể lan ra toàn thân màu than đen hay đồng thau. Bệnh nhân dễ bực tức, tư tưởng không tập trung hoặc u uất, trầm cảm, đau đầu, mất ngủ, hồi hộp, khó thở, tóc khô dễ rụng, rối loạn kinh nguyệt, lưng đau, chân tay lạnh...
Nguồn Thanhnien.vn