Tại hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện”, Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên 80% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến quận - huyện đã thành lập được phòng công tác xã hội.
TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, nếu như năm 2010 cả nước chỉ có 10 bệnh viện thành lập đơn vị công tác xã hội thì đến nay đã có hơn 80% bệnh viện có đơn vị này và đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ người bệnh, thân nhân người bệnh.
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn, Đề án 32 Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2010-2016 đã đạt được mục tiêu là hình thành và phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đến nay, từ 10 bệnh viện thí điểm ban đầu (gồm 4 bệnh viện tuyến trung ương và 6 bệnh viện tuyến tỉnh) đã có hơn 80% bệnh viện thành lập phòng công tác xã hội hoặc có bộ phận làm chức năng công tác xã hội. Và thực tế, nhiều đơn vị công tác xã hội đã hoạt động tích cực, hiệu quả cao như phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương…
Các phòng công tác xã hội trong bệnh viện đã hỗ trợ, giải quyết các vấn đề tâm lý cho người bệnh và thân nhân như tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người bệnh quy trình thủ tục khám, chữa bệnh; giải thích, tư vấn về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; vận động tài trợ hỗ trợ vật chất cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt nhiều nơi đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng, coi bệnh nhân là khách hàng.
Ông Trần Văn Hùng – Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ, điểm nhấn trong công tác chăm sóc người bệnh tại bệnh viện ĐH Y dược chính là xây dựng kế hoạch xuất viện cho người bệnh. Đây là hoạt động giúp người bệnh có thể đương đầu với bệnh tật, chăm sóc người bệnh ở mức tối ưu khi xuất viện. Bộ phận hỗ trợ, chăm sóc người bệnh sẽ có kế hoạch gọi điện thoại thăm hỏi người bệnh sau 1 tháng xuất viện. Nội dung bao gồm thăm hỏi về tình trạng sức khỏe, các tác dụng phụ, vấn đề phát sinh hay việc tuân thủ điều trị và phục hồi, cung cấp các kiến thức để hỗ trợ việc phục hồi tốt nhất.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Thạc sỹ Nguyễn Mỹ Linh, Phụ trách điều hành phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM: đa số nhân sự của bộ phận công tác xã hội chưa được đào tạo chuyên môn, thành viên chủ yếu là kiêm nhiệm từ các khoa phòng nên chuyên môn hạn chế. Công tác gây quỹ tại bệnh viện chưa thể triển khai rộng rãi, nguồn lực tài chính để hoạt động còn hạn hẹp.
Trong khi đó, thạc sỹ Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương thì cho rằng hiện nay số lượng nhân viên công tác xã hội còn hạn chế lại phải chịu nhiều áp lực cao trong công việc như: thời gian tiếp đón lâu, tiếp xúc thường xuyên với những đối tượng không hài lòng, có nhiều bức xúc… Điều này khiến cho việc tuyển dụng nhân sự khó khăn.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo của các bệnh viện vẫn chưa nhận thức đúng về hoạt động công tác xã hội, vì thế chưa có sự đầu tư xứng tầm cả nhân sự lẫn kinh phí hoạt động, nhất là tại các bệnh viện tự chủ về tài chính, nhân sự.
Mục tiêu trong tương lai của ngành y tế là thúc đẩy sự phát triển của công tác xã hội trong bệnh viện để chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân. Theo mục tiêu của Bộ Y tế, đến hết năm 2020, phòng công tác xã hội phải được thành lập tại 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 60% bệnh viện tuyến tỉnh, 30% các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.
Bên cạnh việc thành lập phòng công tác xã hội ở bệnh viện, Bộ Y tế còn đưa ra quy trình đào tạo nhân viên công tác xã hội. Theo đó, đến năm 2020 phải xây dựng chương trình và hoàn thành tài liệu đào tạo và đào tạo lại về nghề công tác xã hội cho các nhóm đối tượng, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y dược.
Theo Infonet