Hà Nội và các tỉnh phía bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Nhiều bạn đọc gửi thư về tòa soạn cho biết, các bệnh viện, cơ sở y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, người bệnh chưa đủ ấm trong quá trình khám và điều trị.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) luôn bảo đảm nhiệt độ ấm phục vụ công tác chữa bệnh trong những ngày rét đậm.
Là bệnh viện hạng đặc biệt thuộc tuyến cuối của cả nước, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) thường xuyên có khoảng gần mười nghìn người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 150 ca bệnh nặng, số ca mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, tai biến mạch máu não tăng cao do ảnh hưởng thời tiết.
Quan sát thực tế chúng tôi nhận thấy, tất cả người bệnh đang điều trị ở các khoa của BV đều được cấp đủ chăn, ga, đệm. Các phòng bệnh đều có hệ thống cửa kính, được đóng kín để chống gió lùa. Người bệnh nặng được phục vụ suất ăn tới phòng bệnh, bảo đảm đủ nóng và đủ dinh dưỡng. Tại các phòng: mổ, hồi sức tích cực, cấp cứu, sơ sinh… luôn có máy điều hòa làm ấm, có phòng trang bị cả đồng hồ đo nhiệt độ để bảo đảm nhiệt độ luôn ổn định.
Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết: Công tác phòng, chống rét cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã được BV chuẩn bị ngay từ mùa hè. Hiện nay, BV đã lắp đặt hơn hai nghìn máy điều hòa ở các khoa, phòng bệnh, trang bị sáu nghìn chăn ấm, 1.500 máy sưởi và tấm sưởi giữ nhiệt cho người bệnh. Tại các khu vệ sinh chung đều lắp đặt bình nóng lạnh, bảo đảm luôn có nước ấm.
Tại BV Bạch Mai, nơi luôn có khoảng 10 nghìn người bệnh khám và điều trị, mỗi người bệnh lại có một hoặc vài người nhà đi cùng chăm sóc, cho nên lượng người tại đây tăng cao. Trong
khi công năng của nhà lưu trú BV có khoảng 300 giường, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế.
Song, BV Bạch Mai cũng là một trong những BV đầu tiên có nhà lưu trú cho người nhà người bệnh. Tại đây, họ được cấp đầy đủ chăn ấm, ga, đệm, một số phòng trọ có điều hòa, bình nước nóng lạnh và chỉ phải trả từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng/ngày. Bác Nguyễn Thị Thu, 60 tuổi, ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) đã hai năm ở trọ nhà lưu trú của BV cho biết: Giá thuê trọ ở đây rẻ hơn nhiều so với bên ngoài. Ở đây còn được bảo đảm an ninh trật tự, môi trường yên tĩnh, vệ sinh sạch sẽ, mùa hè có quạt, mùa đông có chăn, đệm ấm.
Tại các BV của Hà Nội như: Phụ sản, Xanh Pôn, Viện Tim, ngay khi thời tiết chuyển lạnh đã tăng cường các thiết bị chống rét như: máy điều hòa hai chiều, máy sưởi, đèn sưởi, chăn ấm, các thiết bị giữ nhiệt khác cho các khoa, phòng bệnh. Những bệnh nhân nặng, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc bệnh nhân chưa có người nhà chăm sóc được BV phục vụ các suất ăn đến từng phòng bệnh.
Ở các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, nơi nhiệt độ có lúc xuống dưới 5 độ C và xuất hiện băng giá, các BV cũng tích cực trang bị các phương tiện chống rét cho người bệnh. Chị Lường Thị Len, ở bản Sa Bó, xã Phúc Than (Than Uyên, Lai Châu) đang điều trị sau phẫu thuật tại BV đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, trong những ngày điều trị tại đây, chị được BV cấp chăn, đệm, quạt sưởi giữ nhiệt và được hỗ trợ ăn hai bữa/ngày, cho nên sức khỏe cũng nhanh ổn định.
Giám đốc BV đa khoa tỉnh Lai Châu, bác sĩ Bùi Tiến Thanh cho biết: Trong những ngày trời rét, Ban Giám đốc BV đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường các biện pháp giữ ấm cho bệnh nhân, sử dụng điều hòa hai chiều tại các khoa, phòng: cấp cứu, sản, nhi, phẫu thuật; cấp đủ chăn, đệm, bảo đảm phòng kín gió và người bệnh được sử dụng các loại đèn, quạt sưởi. Ban Giám đốc cũng chỉ đạo bộ phận phục vụ quan tâm bữa ăn của người bệnh nghèo. Tại BV còn có các nhóm thiện nguyện thường xuyên đến tặng quần áo, nấu cháo miễn phí cho người bệnh. Các y sĩ, bác sĩ quyên góp lập tủ quần áo từ thiện đặt tại các điểm điều trị, để bệnh nhân có nhu cầu lấy sử dụng.
Tại BV đa khoa tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 600 bệnh nhân đang điều trị, trong đó nhiều người bệnh là người già và trẻ em. BV đã huy động mọi trang thiết bị, phương tiện tại chỗ như chăn, đệm, lò sưởi, ưu tiên các khoa cấp cứu, hồi sức, sản-nhi, hậu phẫu. BV tặng chăn, áo ấm cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bệnh phải chống chọi với cái lạnh thấu da, nhất là số người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã thuộc các tỉnh miền núi, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn hơn nhiều so với vùng đồng bằng.
Ngay tại Hà Nội, không phải BV nào người bệnh cũng được tạo điều kiện tốt nhất để phòng, tránh rét. Tại BV Thanh Nhàn, mặc dù cơ sở vật chất tương đối tốt, phòng điều trị có điều hòa, chăn, ga đệm sạch sẽ, cửa kính kín gió, nhưng vẫn còn rất nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang bệnh viện, không bảo đảm đủ ấm trong những ngày rét đậm, rét hại.
Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, đến quý II năm 2018, khi hai tòa nhà chín tầng của BV được đưa vào sử dụng thì người bệnh sẽ không phải nằm ghép giường và nằm ngoài hành lang BV nữa. Phản ánh về việc người bệnh chưa được sử dụng các thiết bị làm ấm, chống rét, nhất là người bệnh điều trị theo chế độ bảo hiểm y tế, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: "Ban giám đốc BV đã chỉ đạo cấp máy sưởi cho người bệnh tại các khoa, phòng. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh nếu khoa, phòng nào chưa thực hiện".
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong thời gian tới, miền bắc tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ năm đến bảy ngày, tập trung vào tháng 1 và 2-2018, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. Bên cạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh về mùa đông, ngành y tế cần tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh, phòng chống rét cho người bệnh tại các cơ sở y tế tuyến đầu.
Ngày 29-12-2017, Sở Y tế Hà Nội có văn bản đề nghị các BV, cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh đến khám, chữa bệnh, bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra.
Ông VŨ CAO CƯƠNG
Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội
Giường bệnh của tôi và một số người bệnh khác kê ở đầu hành lang, hướng có gió lùa, cho nên về đêm rét lắm. Nếu được BV quan tâm cho mượn máy sưởi thì tốt quá .
Bà NGUYỄN THỊ LIÊN
Bệnh nhân Khoa Ung bướu (BV Thanh Nhàn)
Nếu không có sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài thì các BV không thể cùng lúc vừa chăm sóc, điều trị người bệnh, vừa chăm sóc người nhà người bệnh được. Vì vậy, công tác này cần được xã hội hóa.
Ông NGUYỄN NGỌC HIỀN
Phó Giám đốc BV Bạch Mai
Nguồn Nhandan.com.vn