Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có 126.000 trường hợp mắc ung thư mới, và có tới 94.000 người tử vong do căn bệnh này. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra, khiến tỷ lệ tử vong do ung thư cao là có tới trên 70% người bệnh đi khám, phát hiện và điều trị muộn. Và một vấn đề mấu chốt chính là việc Bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn đang đứng ngoài “cuộc chiến” tầm soát ung thư.
Tầm soát ung thư tổng thể sẽ giúp phát hiện ở giai đoạn sớm. Trong ảnh: Tầm soát ung thư tại BVĐK Hồng Ngọc.
Hơn 70% người đến viện muộn
Chị T.T.L quê Nghệ An đi siêu âm phát hiện có khối u ở ngực, được kết luận bị K vú giai đoạn 2. Trước đó chị cho biết không hề có triệu chứng đau đớn. “Tôi rất tiếc là đã đi khám muộn. Nếu khám và phát hiện sớm hơn thì việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng hơn”, chị bày tỏ. Như chị chia sẻ, do kinh tế gia đình khó khăn, bởi vậy bản thân trước đó chưa từng nghĩ đến việc đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, hay tầm soát ung thư. Đây cũng là hoàn cảnh của nhiều người mắc ung thư, khi họ đến bệnh viện (BV) trong tình trạng bệnh đã ở vào giai đoạn cuối.
Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang gia tăng nhanh chóng, nhưng phát hiện lại rất muộn. Thống kê tại BV K Trung ương, có đến hơn 70% người bệnh ung thư đến viện khi đã qua giai đoạn 3, khả năng điều trị khỏi rất hiếm. Trong khi đó, phát hiện ra bệnh sớm ở giai đoạn 1, 2 người bệnh hoàn toàn có thể kéo dài thời gian sống thêm 5, 10 năm.
Mặt khác, rào cản lớn nhất đối với bệnh nhân ung thư hiện nay là chi phí điều trị tốn kém. Theo TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BV Bạch Mai: “Chi phí cho lần nhập viện đầu tiên vào khoảng 7 triệu đến 35 triệu đồng. Dù đa phần bệnh nhân ung thư được quỹ BHYT chi trả rất lớn, nhưng sau 12 tháng điều trị, gần 67% bệnh nhân phải đi vay tiền chữa bệnh...”.
Trong khi đó, phía BHYT, theo Ths, BS Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Hiện tại theo quy định Luật BHYT chưa có chi phí cho tầm soát ung thư sớm, mà mới chi trả cho việc khám bệnh và chữa bệnh cho những bệnh nhân có nghi ngờ dấu hiệu. Thí dụ như dấu hiệu liên quan đến phổi, gan, khi đi khám chữa bệnh phát hiện ung thư thì Quỹ BHYT mới chi trả. Với những trường hợp khỏe mạnh đi khám bệnh và tầm soát thì BHYT lại không chi trả.
Nâng cao công tác dự phòng
Ung thư đang trở thành một vấn đề lớn của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Số ca tử vong vì ung thư hiện chiếm khoảng 18% tổng số ca tử vong trên cả nước, chỉ xếp thứ hai sau số tử vong do các bệnh tim mạch. Theo ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương, để phát hiện bệnh sớm, nâng tỷ lệ chữa thành công bệnh ung thư trong thời gian tới, BV K Trung ương đã đề xuất một số giải pháp, trong đó có nội dung đề nghị BHYT có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp, như: ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Nếu thực hiện được điều này đồng loạt trên cả nước sẽ giúp nâng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Trước đó, lãnh đạo BV K Trung ương cũng đã đề xuất BHYT chi trả phí tầm soát một số loại ung thư cho người bệnh nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Riêng ở Hà Nội, đang thí điểm thanh toán BHYT đối với tầm soát ung thư đại tràng.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế chia sẻ: Thế giới cũng đã có nhiều nước chi trả phí này từ Quỹ BHYT nhưng với điều kiện quỹ BHYT phải bảo đảm đủ, tức là mức đóng phải cao và ở nước ta hiện nay mức đóng đang là 4,5%/lương cơ sở, do đó quỹ BHYT chưa đủ để chi trả cho khám sàng lọc. Bệnh ung thư hiện nay rất nhiều loại nếu phát hiện sớm, điều trị hiệu quả cao, tuy nhiên phải phát hiện sớm. Do đó, trong thời gian tới khi sửa Luật BHYT sẽ có báo cáo nội dung này và sẽ kiến nghị đưa vào phạm vi thanh toán quỹ BHYT, bao gồm dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh như ung thư vú, cổ tử cung và một số bệnh nếu tầm soát sớm tỷ lệ khỏi bệnh rất cao.
Thiết nghĩ, mắt xích quan trọng trong “cuộc chiến” chống ung thư là đòi hỏi BHYT phải đồng hành cùng công tác tầm soát phát hiện sớm ung thư. Điều này được kỳ vọng sẽ được giải quyết trong Luật BHYT sửa đổi. Trong khi chờ đợi những điều chỉnh về luật, công tác y tế dự phòng cần được nâng cao, khuyến cáo người dân đi khám định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm.
Nguồn Nhandan.com.vn