Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bộ trưởng Bộ Y tế: Bảo tồn quỹ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là trách nhiệm của hai bên bảo hiểm - y tế

“Bệnh viện không thể tiêu thoải mái quỹ đó (BHYT) được, nhưng BHXH cũng không được gây cản trở khó khăn để các cơ sở khám chữa bệnh căng thẳng” – Bộ trưởng nói.

Phát biểu tại buổi đối thoại về chính sách BHYT khu vực phía Bắc sáng 19/10, 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc bảo tồn quỹ BHYT nhưng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để hài lòng người dân là trách nhiệm của hai bên.

Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn chia sẻ, cơ quan bảo hiểm xã hội, giám định bảo hiểm y tế “kêu” các cơ sở khám chữa bệnh “nói thẳng ra là lạm dụng”.

 Nhiều kỹ thuật cao được ứng dụng ngay tại Bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nên khiến chi phí khám chữa bệnh tuyến này tăng.

Nhiều kỹ thuật cao được ứng dụng ngay tại Bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nên khiến chi phí khám chữa bệnh tuyến này tăng.

Cụ thể, cơ quan BHXH cho rằng vì chính sách điều chỉnh giá dịch vụ y tế, không ít cơ sở y tế kê thêm giường bệnh, số lượng bệnh nhân khám cũng tăng từ 30-40 bệnh nhân lên tới 100 người/ngày. Thời gian nằm viện cũng được “kéo dài” ở một số cơ sở y tế, có nơi một ca đẻ thường cho nằm viện tới 7 ngày, trong khi bình thường chỉ khoảng 2-3 ngày là được xuất viện. Bác sĩ thì kê nhiều kháng sinh, thuốc bổ, vitamin… có hiệu quả không? Về phía người dân, có người đi viện tháng mấy chục lần.

Mặt khác, Bộ trưởng cũng cho biết, các bệnh viện cũng “nóng không kém”. Cơ sở y tế phàn nàn “BHXH không thanh toán, xuất toán, gây khó, cửa quyền, đi vào kiểm tra, thanh tra, thế là trái luật”. Tiền là tiền quỹ BHYT ngắn hạn, của nhân dân, phải sử dụng cho nhân dân. Một số nơi còn đặt vấn đề trình độ của giám định viên BHYT còn hạn chế, không có trình độ y dược sao lại giám định bệnh án, toa thuốc bệnh nhân được bác sĩ kê…

Năm 2016 điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo thông tư 37, đưa tiền lương vào giá, chúng ta lại tiến hành thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện; ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị, thuốc tốt được đưa vào sử dụng... nên chi phí khám chữa bệnh tăng.

“Ngày xưa bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đâu có mổ nhiều. Hiện nay, tuyến huyện nhiều nơi đã làm chủ kỹ thuật mổ nội soi, tuyến tỉnh thì can thiệp tim mạch, thụ tinh nhân tạo, ghép tạng… Điều này dẫn đến chi phí y tế ở tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng lên” – Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, giá chi phí tăng lên, giá nguyên liệu đầu vào cao, từ hoá chất, sinh phẩm đến trang thiết bị y tế ngang giá với thế giới, nhưng mệnh giá bảo hiểm của Việt Nam thấp, chỉ bằng 1/3, ¼. Điều này chắc chắn sẽ khiến bội chi, tăng tổng chi phí.

Năm 2017, dự kiến bội chi BHYT khoảng 10.000 tỷ đồng. Hiện nay, quỹ kết dư BHYT từ 2010-2016 có khoảng 47.000 tỷ đồng. Do đó, vẫn chưa thể vỡ quỹ BHYT. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu cứ đà chi như năm 2017, số giường bệnh tăng, tăng số ngày nằm viện..., thì chắc chắn thì quỹ BHYT "không còn đâu mà tiêu".

“Bệnh viện không thể tiêu thoải mái quỹ đó (BHYT) được, nhưng BHXH cũng không được gây cản trở khó khăn để các cơ sở khám chữa bệnh căng thẳng” – Bộ trưởng nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khả năng mất cân bằng quỹ BHYT là hiện hữu do mức đóng thấp, hưởng cao và chưa có trần.

V.Thu/GĐXH

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image