Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của người dân

Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của người dân

Năm 2016, bên cạnh những thành tích mà ngành y tế đạt được thì vẫn còn rất nhiều tồn tại cần phải giải quyết, trong đó có nhiều vấn đề mà người dân quan tâm như: Tai biến trong y khoa, quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, giá thuốc tăng… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Phóng viên (PV):Thời gian qua, tại một số cơ sở y tế đã để xảy ra những tai biến y khoa, trong đó có nguyên nhân do trình độ chuyên môn, chẩn đoán sai… gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Vậy bộ trưởng cho biết, thời gian tới ngành y tế cần phải làm gì để giảm thiểu rủi ro cho người bệnh?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, tai biến có thể là do rủi ro xảy ra ngoài ý muốn. Mà nghề y là một nghề đặc biệt, đối tượng cung cấp hay tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh đều là con người, vì vậy việc xảy ra các tai biến trong quá trình khám, chữa bệnh luôn có khả năng xảy ra.

Đối với những trường hợp mà các phương tiện truyền thông đề cập, Bộ Y tế đều khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh. Quan điểm của Bộ Y tế là khuyến khích việc tự nguyện báo cáo rủi ro, sự cố y khoa ở các cơ sở y tế.

PV:Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thay đổi của ngành y tế trong thời gian qua? Việc giảm giường nằm ghép, giảm tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương trong năm 2017 sẽ được thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Qua theo dõi thực tế tại các bệnh viện, tình trạng nằm ghép thời gian qua tại các bệnh viện đã được khắc phục cơ bản, hiện chỉ còn một số bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và một vài khoa của Bệnh viện K Trung ương (Khoa điều trị hóa chất) còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Hiện nay, có 90% (35/39 bệnh viện) số bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường bệnh trong bệnh viện. Tại Thành phố Hồ Chí Minh,  29/31 bệnh viện tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép trong bệnh viện. Tại Tuyến Trung ương có tới 80% số bệnh viện cam kết không để tình trạng người bệnh nằm ghép.

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân đang chờ khám bệnh tại Bệnh viện E. 

Năm 2017, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Đồng thời, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; tăng cường năng lực kỹ thuật của tuyến dưới, giảm chuyến tuyến, vượt tuyến lên tuyến trên; đẩy mạnh thực hiện Đề án giám quá tải bệnh viện với 8 nhóm giải pháp cụ thể đã đề ra.... hy vọng tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ tiếp tục được khắc phục trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

PV:Thời gian vừa qua, có một số bệnh viện quá tải nhưng vẫn giành tỷ lệ lớn giường dịch vụ khiến cho bệnh nhân BHYT phải nằm ghép. Bộ Y tế có khống chế số giường dịch vụ tại các  bệnh viện hay không? 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Xã hội ngày càng càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng cao, nhiều người có khả năng, có yêu cầu và đòi hỏi các dịch vụ công với chất lượng cao. Chính vì vậy, Đảng, Chính phủ đã có chủ trương là phải đa dạng các dịch vụ công cung cấp cho người dân, trong đó có y tế để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Trong thời gian vừa qua, một số bệnh viện ngoài khám, chữa bệnh thông thường, phục vụ cho đại đa số người dân và đối tượng BHYT đã huy động vốn, vay vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để tổ chức các khoa, phòng bệnh theo yêu cầu, với điều kiện phục vụ và chất lượng chăm sóc cao hơn mà chúng ta thường gọi là khám bệnh theo yêu cầu và giường dịch vụ. Các giường bệnh dịch vụ nằm ngoài số giường mà bệnh viện phải đảm bảo theo kế hoạch được giao.

Nhìn chung, việc tổ chức các giường bệnh dịch vụ đã góp phần tăng số giường bệnh phục vụ người dân; làm giảm quá tải cho giường bệnh thông thường. Thực tế, rất nhiều bệnh viện đã thu gọn khu vực hành chính, các khoa phòng làm việc của cán bộ, nhân viên để có diện tích kê thêm giường dịch vụ chứ không phải các bệnh viện giảm bớt giường bệnh kế hoạch để kê thêm giường dịch vụ. Khi có giường dịch vụ, nhiều người chuyển sang nằm giường dịch vụ sẽ giảm quá tải cho các giường bệnh thông thường theo kế hoạch giao. Nên không thể nói các bệnh viện giành giường kế hoạch để thực hiện giường dịch vụ dẫn đến các bệnh nhân phải nằm ghép. Hiện số giường dịch vụ chiếm khoảng 5% tổng giường thực kê và bằng khoảng 6% tổng số giường kế hoạch. Tỷ lệ này tại bệnh viện tuyến trung ương khoảng 10-11%.

Tuy nhiên, có tồn tại khi triển khai giường dịch vụ là việc một số bệnh viện bố trí phòng bệnh không hợp lý, trong khu vực khám, chữa bệnh thông thường nên gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đang chỉ đạo các bệnh viện có tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu phải vay vốn, huy động vốn, liên kết hợp tác đầu tư thành khu vực riêng.

PV:Bộ trưởng đánh giá như thế nào qua cuộc thị sát nhiều bệnh viện tuyến Trung ương trong thời gian gần đây?  Vì sao tại một số bệnh viện có cơ sở vật chất tốt nhưng tỷ lệ người bệnh hài lòng lại rất thấp (như  tại cơ sở 3, Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng chỉ đạt gần 52%)?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Qua thị sát một số bệnh viện tuyến Trung ương thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi lớn ở hầu hết các cơ sở y tế. Qua trao đổi, trò chuyện trực tiếp với nhiều người bệnh, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành y tế, như: Thái độ phục vụ của cán bộ y tế, thời gian chờ đợi khám bệnh giảm, cán bộ y tế hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước; các bệnh viện xanh - sạch - đẹp, thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã tổng kết thí điểm thực hiện bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Ngành Y tế cũng đã thực hiện Thông tư 37 về điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với đối tượng tham gia BHYT, trong đó, các bệnh viện tuyến trung ương là những đơn vị thực hiện từ đầu, giá dịch vụ này đã bao gồm cả tiền lương. Song song với việc đi kiểm tra đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế, Bộ Y tế cũng tổ chức nhóm đánh giá độc lập với 10 thành viên đi kiểm tra, phỏng vấn, mức độ hài  lòng của người bệnh theo mẫu phiếu có sẵn. 

Đặc biệt, kết quả thị sát của bộ trưởng cho thấy số thư khen ngợi tinh thần, thái độ tăng lên; số cuộc điện thoại phê bình cán bộ y tế đã giảm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và người nhà họ. Đơn cử, tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều, mức độ hài lòng của người bệnh chỉ đạt 51,7%. Tỷ lệ này phản ánh trung thực, khách quan bởi cách sắp xếp, tổ chức khoa phòng chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người bệnh. Đặc biệt còn tình trạng nằm ghép, đến 4 người bệnh/giường bệnh. Vì vậy tôi chưa thể hài lòng được.

PV:Giá thuốc năm 2016 có gì biến động so với những năm trước thưa bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong thời gian vừa qua, triển khai các quy định của Luật Dược, Liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương đã tích cực triển khai việc quản lý chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế tập trung quản lý giá thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập với cơ chế đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch giúp tiết giảm chi phí tại cơ sở y tế và giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện được quản lý thông qua thặng số bán lẻ. Đối với giá thuốc lưu hành trên thị trường được giám sát chặt chẽ thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai giá từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. 

Vì vậy, so với những năm trước, về cơ bản thị trường dược phẩm vẫn được duy trì  bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh của nhân dân.

PV:Bộ Y tế đã có giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng thuốc chữa bệnh cho nhân dân?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục triển khai Công văn số 13719/QLD-CL ngày 23-8-2013, Cục Quản lý Dược yêu cầu hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.  Đặc biệt, Bộ Y tế phối hợp công tác với các cơ quan liên quan, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương... thành lập Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế nhằm tăng cường các hoạt động hậu kiểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tham mưu, đề xuất về việc phân cấp quản lý nhà nước để phát huy khả năng và tính chủ động của y tế địa phương; kết hợp với việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ nhân lực và tài chính cho cơ quan quản lý dược, thanh tra, kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của y tế địa phương. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đã và đang triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc. Triển khai dự án nâng cấp 2 Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ áp dụng các biện pháp trên, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt.

Tính đến nay, đã có 103 cơ sở sản xuất nước ngoài phải kiểm tra theo tinh thần công văn trên, phát hiện và ngăn chặn đưa ra thị trường 83 lô thuốc không đạt chất lượng. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Cục Quản lý Dược chỉ phát hiện 2 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn bộ trưởng!

Nguồn Qdnd.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image